Thị trường bảo hiểm sẽ minh bạch hơn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDo yêu cầu minh bạch hóa thông tin, khách hàng có nhìn nhận rõ nét hơn về từng DN để quyết định tham gia bảo hiểm phù hợp |
Khách hàng hiểu rõ DN khi quyết định tham gia bảo hiểm
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2022, thị trường bảo hiểm hiện có 76 DN kinh doanh bảo hiểm với tổng tài sản ước đạt 744.877 tỷ đồng, tăng 21,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng tài sản các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 106.519 tỷ đồng; các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 638.358 tỷ đồng.
Cũng qua 5 tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.055 tỷ đồng (tăng 13,58%); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.429 tỷ đồng (tăng 14,50%).
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý DN, cho phép xác định vốn và quản lý DN theo rủi ro đặc thù của từng DN bảo hiểm, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các DN có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các DN có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Mặt khác, thị trường bảo hiểm cũng minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hoạt động kinh doanh của DN bảo hiểm ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp của nhiều lĩnh vực như biến động thị trường tài chính, đầu tư, công nghệ, môi trường. Do đó, để nâng cao giám sát an toàn tài chính DN bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm trong 10 - 20 năm tới, hướng tới chuẩn mực quốc tế, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát từ mô hình quản lý hiện tại sang mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, DN bảo hiểm sẽ chủ động hơn trong quản trị kinh doanh. Theo đó, căn cứ vào diễn biến hoạt động kinh doanh của mình, DN tự tính toán, xác định số vốn tối thiểu phải có tương ứng với rủi ro của DN, từ đó kịp thời bổ sung nguồn tài chính thiếu hụt. Trong khi đó, cơ quan quản lý sẽ phân loại được DN theo mức độ rủi ro, đánh giá toàn diện rủi ro của từng DN và cả thị trường bảo hiểm, giúp cơ quan quản lý kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý, giám sát thị trường và bảo đảm khả năng tài chính của DN.
Hơn nữa, về thị trường, do yêu cầu minh bạch hóa thông tin, tăng cường chế độ báo cáo của DN gắn liền với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, khách hàng có nhìn nhận rõ nét hơn về từng DN để quyết định tham gia bảo hiểm phù hợp.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, bên cạnh việc hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mà Quốc hội đang xem xét, thông qua tại kỳ họp này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 154 Điều, trong đó giảm 1 Chương và 3 Điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, dự thảo Luật tách chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài khỏi DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng, đúng nội hàm của quy định; bổ sung các quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm nhằm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện; bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; tách tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành một điều để bảo đảm rõ ràng; bổ sung điều kiện cấp phép đối với Cty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật cũng rà soát, hoàn chỉnh về hoạt động môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bỏ việc công nhận chứng chỉ môi giới bảo hiểm và chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm để giảm thiểu thủ tục hành chính; giới hạn lại đối tượng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để nâng cao chất lượng hoạt động phụ trợ bảo hiểm và phân biệt rõ với các loại tư vấn khác của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; gộp Điều 111 về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và Điều 114 về thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành một điều quy định về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô (Điều 124); bỏ quy định tại Điều 32 về số tiền bảo hiểm, phương thức xác định số tiền bảo hiểm và Điều 33 về căn cứ trả tiền bảo hiểm để trao quyền cho các bên tự thỏa thuận; giao Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục, chấm dứt, gia hạn, thu hồi, cấp lại Giấy phép cho văn phòng đại diện (như quy định hiện hành) để bảo đảm thống nhất với các quy định đối với DN bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
BSH tăng trưởng cao nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2019 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại