Thứ sáu 22/11/2024 12:48

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021: Những lưu ý để làm tốt phần đọc hiểu môn Ngữ văn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dưới đây là một số lưu ý giúp thí sinh tham khảo để làm tốt phần Đọc - hiểu trong bài thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Ngữ văn.
"Bí quyết" đạt điểm cao môn Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2021
Thí sinh cả nước bước vào ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên, môn Ngữ Văn
Đề thi môn Ngữ Văn “dễ thở”, nhiều thí sinh phấn khởi khi rời khỏi phòng thi

Ngày 7-7 tới đây, các thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với môn thi Ngữ văn. Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội đã đưa ra một số lưu ý để thí sinh tham khảo giúp làm tốt phần Đọc - hiểu của bài thi môn này.

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021: Những lưu ý để làm tốt phần đọc hiểu môn Ngữ văn
Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Phần đọc hiểu Ngữ văn 12, cũng giống như phần đọc hiểu của những lớp 10, 11. Bài tập phần đọc hiểu Ngữ văn có chung những đặc điểm như sau: Kiểu bài đọc hiểu nằm ở Phần I (3 điểm) trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn.

Ngữ liệu đọc hiểu thường là một đoạn văn bản có thể thuộc bất cứ loại văn bản nào. Từ văn bản khoa học, báo chí, công vụ đến văn bản nghệ thuật. Miễn là văn bản ấy được viết bằng ngôn từ, nhưng chủ yếu là văn bản nghị luận.

Yêu cầu đề bài của kiểu bài Đọc – hiểu văn bản: Thông thường đề bài sẽ yêu cầu thí sinh đọc hiểu và trả lời 4 câu hỏi nhỏ. Các em sẽ hiểu rõ hơn khi tham khảo các cách làm bài đọc hiểu ngữ văn dưới đây.

Các câu hỏi phần đọc hiểu sẽ tập trung vào 1 số khía cạnh như: Nội dung chính của văn bản hoặc ý nghĩa của văn bản; các thông tin quan trọng của văn bản: nhan đề, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại.

Để làm bài Đọc - hiểu văn bản đạt điểm cao, các em cần chú ý những điểm sau: Nắm được phương pháp đọc – hiểu một văn bản. Các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu.

Với dạng bài này, các em nên viết trong khoảng 30 phút; nên viết khoảng 1 mặt giấy thi. Trả lời trực tiếp vào câu hỏi, theo kiểu “hỏi gì đáp nấy”. Câu trả lời nên chính xác, đầy đủ, ngắn gọn. Không cần mở bài và kết bài, không nên gạch đầu dòng mà nên viết mỗi ý trong câu hỏi thành đoạn văn nhỏ, hoàn chỉnh.

Khi xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, thao tác lập luận hoặc phương thức biểu đạt trong văn bản, các em nên giải thích ngắn gọn.

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021: Những lưu ý để làm tốt phần đọc hiểu môn Ngữ văn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 7-7 tới. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.

Để làm tốt phần đọc hiểu Ngữ văn 12, các em cần phải nắm vững những phần kiến thức sau:

Cách làm bài đọc hiểu môn Ngữ văn khi hỏi về phong cách ngôn ngữ chức năng, các em cần phải lưu ý, trong đề thi thường có câu hỏi: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Các em chú ý đọc kĩ văn bản, tìm hiểu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ của văn bản sau đó mới trả lời.

Các phong cách ngôn ngữ bao gồm: Sinh hoạt, khoa học, nghệ thuật, chính luận, hành chính, báo chí.

Về cách làm bài đọc hiểu văn bản khi hỏi về các phương thức biểu đạt cần có những lưu ý:

Một văn bản có khi kết hợp nhiều phương thức biểu đạt khác nhau, nhưng bao giờ cũng có một phương thức biểu đạt chính. Câu hỏi trong đề chỉ yêu cầu xác định phương thức biểu đạt chính nên thí sinh phải chú ý đọc kĩ câu hỏi rồi trả lời một cách chính xác.

Có 4 phương thức thường xuất hiện trong các đề thi: Biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận.

Các thao tác lập luận sẽ bao gồm: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

Các biện pháp tu từ thường gặp khi các em làm bài tập phần đọc hiểu Ngữ văn 12. Các biện pháp tu từ bao gồm: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa, hoán dụ, điệp ngữ. Khoa trương, nói giảm, liệt kê, tương phản, đối lập. Câu hỏi tu từ, chêm xem, im lặng.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần chú ý tới đặc trưng của các thể thơ như thơ lục bát, thơ song thất lục bát; các thể ngũ ngôn Đường luật, các thể thất ngôn Đường luật, các thể thơ hiện đại.

Các hình thức lập luận của đoạn văn bao gồm: Diễn dịch, quy nạp, song hành, đoạn tổng – phân – hợp, đoạn móc xích.

Phương tiện liên kết là yếu tố ngôn ngữ được sử dụng nhằm làm bộc lộ mối liên lạc giữa các bộ phận có liên kết với nhau. Các phép liên kết chính sau đây: Phép lặp, phép thế, phép liên tưởng, phép nghịch đối, phép nối.

Các phương thức trần thuật thường xuất hiện trong các văn bản truyện kể: truyện, tiểu thuyết.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 được tổ chức làm hai đợt. Đợt 1 diễn ra các ngày 7 và 8-7. Thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 (còn trong thời gian phải cách ly) và trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không tham gia thi đợt 1 sẽ được bố trí thi đợt 2.

Theo hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, tất cả thí sinh tham dự kỳ thi phải hoàn thành khai báo y tế trực tuyến xong trước ngày 7-7. Thí sinh có thể khai báo qua các phần mềm trực tuyến như NCOVI, Bluezone hoặc trên website https://tokhaiyte.vn...

Thí sinh dự thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của trung ương, thành phố và kỳ thi; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi đến điểm thi, trên đường từ điểm thi về nhà và nơi tập trung thí sinh. Trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi.

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động