Tết Giáp Thìn 2024 nên cúng hóa vàng vào ngày nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột mâm cỗ cúng hoá vàng. Ảnh: nguồn internet |
Trước ngày Tết Nguyên đán, các gia đình thường thực hiện nghi thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu, gia đình. Do đó khi Tết kết thúc, cần thực hiện lễ hóa vàng để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, lễ hóa vàng còn được gọi là lễ đưa tiễn ông bà. Vào ngày ấy, con cháu đốt tiền vàng để các cụ chi tiêu ở dưới âm phủ.
Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết (khai hạ). Tuy nhiên ngày nay tùy theo vùng miền, địa phương, lễ này có thể diễn ra từ mùng 3 tới mùng 10 tháng Giêng, có những gia đình con cháu đi sớm thì cúng vào mùng 2.
Tết Giáp Thìn 2024 hóa vàng ngày nào chuẩn?
Theo chuyên gia phong thủy, nghi lễ hóa vàng không cố định vào ngày nào cụ thể. Các gia đình có thể hóa vàng từ mùng 3 Tết trở ra, tùy theo thời gian thuận tiện và ngày đẹp trời, hợp mệnh với chủ nhà. Thông thường, các gia đình sẽ chọn ngày mùng 3 âm lịch để thực hiện lễ cúng hóa vàng hết Tết.
Năm 2024, các gia đình có thể làm lễ hóa vàng vào ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 và mùng 7 tháng Giêng.
Dưới đây là giờ đẹp hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024 giúp gia chủ mọi sự hanh thông:
- Mùng 3 Tết: giờ Tân Mão (5h - 7h), giờ Giáp Ngọ (11h - 13h), giờ Bính Thân (15h - 17h), giờ Đinh Dậu (17h - 19h).
- Mùng 4 Tết: giờ Mão (5h - 7h), giờ Ngọ (11h - 13h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h).
- Mùng 5 Tết: giờ Mão (5h - 7h), giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Tuất (19h - 21h).
- Mùng 7 Tết: giờ Dần (3h - 5h), giờ Thìn (7h - 9h), giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h), giờ Hợi (21h - 23h).
Lễ hóa vàng cần chuẩn bị những gì?
Thông thường, để tiến hành lễ hóa vàng, các gia đình sẽ chuẩn bị: hương, hoa, nước, quả (ngũ quả); trầu cau; rượu; đèn, nến; lễ ngọt, bánh kẹo; mâm cỗ mặn: xôi, gà, bánh chưng, các món ăn ngày Tết.
Tại một số địa phương ở Việt Nam, các gia đình sẽ chuẩn bị thêm 2 cây mía bởi dân gian quan niệm cây mía để các cụ chống đi cho đỡ mỏi hoặc có thể sử dụng để gánh các đồ cúng về trời.
Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương, các lễ vật sẽ có sự thay đổi để phù hợp. Điều quan trọng nhất trong lễ cúng hóa vàng chính là sự thành tâm nguyện cầu của gia chủ.
Sau khi bày biện mâm cúng thì chủ nhà sẽ tiến hành thắp hương và khấn bài khấn hóa vàng tiễn tổ tiên. Đợi hương cháy hết hoặc qua một tuần hương thì gia chủ chắp tay vái ba vái xin phép ông bà mang vàng mã đi hóa. Khi hạ lễ thì phải hạ lễ từ bậc thần rồi mới đến tổ tiên.
Lưu ý khi hóa vàng
Phải hóa vàng ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, có đồ hóa riêng chứ không lấy tùy tiện.
Khi hóa thì nên hóa của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn, đặc biệt, phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm thì sẽ hóa cuối cùng.
Lúc hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.
Nhiều nhà còn cẩn thận mang theo hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong với ý nghĩa cây mía sẽ như đòn gánh cho các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm không bị lũ quỷ cướp vàng đi.
Ngày nay, việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng được khuyến cáo hạn chế tối đa để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống, giảm nguy cơ gây hỏa hoạn.
Điều quan trọng là bàn thờ cần hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết và các nghi lễ khấn cúng được thực hiện với sự kính cẩn của gia chủ.
Phần mâm cơm cúng hóa vàng thì con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật.
Cúng Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 ngoài trời hay trong nhà trước mới đúng? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại