Thứ ba 19/11/2024 13:53

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiến nghị tạm thời áp dụng mức thuế suất 0% với mặt hàng phân bón

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong văn bản của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sửa Luật thuế, tập đoàn này trình bày, ngày 26-11- 2014, Quốc hội thông qua Luật số 71/2014/QH13 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế...
tap doan hoa chat viet nam kien nghi tam thoi ap dung muc thue suat 0 voi mat hang phan bon
Ảnh minh hoạ

Tập đoàn nêu, đây là bước tiến dài trong quá trình hoàn thiện pháp luật về thuế, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện Luật số 71/2014/QH13 bộc lộ một số hạn chế. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam diễn giải:

Tác động đối với người nông dân

Chủ trương của Đảng, Nhà nước giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón là đúng. Tuy nhiên, Luật thuế 71/2014/QH13 lại đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đã nảy sinh bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.

Thứ hai, chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng, gây bất lợi trong cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc do phân bón nhập khẩu khi không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%.

Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt, thiệt hại thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Nhận thức rõ vai trò chủ động sản xuất phân bón trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu những năm 2000, mặc dù kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón ure, DAP nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cơ bản đã sản xuất, cung ứng đủ phân bón cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giúp Chính phủ điều tiết giá phân bón khi thị trường phân bón thế giới có biến động lớn về tăng giá.

Với các dự án đầu tư sản xuất phân bón

Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%.

Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, thì từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.

Ước tính 4 năm kể từ khi luật 71/2014/QH13 được áp dụng, đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thuế GTGT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản là 110 tỷ đồng, đối với hai đơn vị sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuế GTGT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản là 200 tỷ đồng. Hiệu quả các dự án đầu tư giảm, không khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón.

Với sản xuất kinh doanh phân bón

Trước khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí khác như than, điện, cước vận chuyển, bao bì… có thuế suất thuế GTGT là 10%.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ phần thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, nhiều doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT do các nguyên liệu, chi phí đầu vào có thuế suất 10% chiếm tỷ trọng lớn, thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra.

Khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào. Sự bất lợi khi kinh doanh mặt hàng thuộc diện không chịu thuế GTGT so với các mặt hàng chịu thuế GTGT như sau:

Thứ nhất, thuế GTGT đầu ra: Mọi doanh nghiệp thu hộ nhà nước từ việc thu của người tiêu dùng, sau đó nộp lại cho nhà nước, nên không ảnh hưởng đến doanh thu thuần của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào bán hàng hóa cũng phải thu.

Thứ hai, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ: Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT (bao gồm cả thuế suất thuế GTGT bằng 0%) được khấu trừ thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào. Do đó, chi phí đầu vào không tính phần thuế GTGT đầu vào phải trả vì sẽ được khấu trừ với đầu ra.

Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT không được khấu trừ thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào. Do đó, chi phí đầu vào tính cả phần thuế GTGT từ 5-10% (Phần lớn các mặt hàng có thuế suất thuế GTGT là 10%) phải đưa toàn bộ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng giá thành đơn vị sản phẩm, giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Như vậy, toàn bộ số thuế GTGT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm tăng thêm 6-8% (tùy từng loại phân bón). Ước tính 4 năm kể từ khi luật 71/2014/QH13 được áp dụng, thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất phân bón của các đơn vị sản sản xuất phân bón trong nước.

Các tác động trên dẫn tới chi phí tăng, giá thành sản phẩm phân bón tăng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các phân bón được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai trong nước (apatit, than, secpentin…) như phân lân, phân đạm, phân DAP.

Các đơn vị nhập khẩu phân bón thường được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích xuất khẩu tại các nước xuất khẩu, thuế suất thuế GTGT hàng xuất khẩu là 0% và không chịu thuế GTGT đầu ra theo luật số 71/2014/QH13 nên có lợi thế rất lớn cạnh tranh với phân bón sản xuất trong nước.

Tháng 1- 2015, ngay sau khi luật 71/2014/QH13 có hiệu lực thì sản lượng phân bón nhập khẩu tăng lên đột biến, ure nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với tháng 01 năm 2014. Sản xuất phân bón trong nước không thể cạnh tranh được về giá bán sản phẩm, sản lượng tiêu thụ giảm. Sản lượng phân bón tồn kho cuối năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ, tồn kho phân đạm ure tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 02 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần).

Lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh làm cho sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng việc làm và thu nhập của người lao động, không thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển ngành sản xuất phân bón chủ động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chủ trương đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản trong nước (apatit, than, secpentin…).

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp – nông nghiệp – nông dân và nông thôn.

Tác động tích cực khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế và áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% hoặc 5%

Việc đưa mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế GTGT là phù hợp với pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế về bảo hộ mậu dịch, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và nông dân.

Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón trên thị trường.

Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Cả hai trường hợp trên thì cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu chịu mức thuế suất thuế GTGT như nhau, tạo bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Do đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết tạm thời áp dụng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%, áp dụng thực hiện cho đến khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật số 71/2014/QH13.

PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động