Chủ nhật 19/05/2024 10:42

Sự việc ép “khai tử” lò gạch Hoffman ở Bình Dương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Bị áp đặt hàng loạt biện pháp gây khó khăn như: cắt điện, kiểm tra hành chính, thu hồi mã số thuế… các doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman ở tỉnh Bình Dương chẳng khác nào bị dồn vào đường cùng, chính quyền tỉnh Bình Dương đã tổ chức cắt điện, cùng hoạt loạt các biện pháp kiểm tra hành chính, thu hồi đóng mã số thuế…. Trước tình thế cùng quẫn, đại diện các doanh nghiệp đãa phải ôm đơn lên các cơ quan ở Trung ương để kiến nghị, xin cứu xét. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết thì ngay ngày hôm sau, UBND huyện Phú Giáo đã tổ chức cuộc họp với nhiều nội dung nhằm…. ráo riết tăng cường tốc độ cưỡng chế

Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ Văn phòng Chính phủ

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ thì được biết, vào sáng ngày 8/7/2015, Bộ phận tiếp công dân của Văn Phòng Chính Phủ đã tiếp nhận lá đơn có chữ ký của 37 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch với nội dung: kiến nghị, phản ánh với Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét gia hạn thời gian hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương được sản xuất đến năm 2018-2020 để có thời gian chuyển đổi từ công nghệ nung sang gạch không nung theo đúng lộ trình của Chính phủ và sớm cấp điện lại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch phục vụ sản xuất.

Trước đó, vào ngày 6/7/2015 Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã có văn bản số 740/BTCDTW-TD1 “gửi đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương” về việc đề nghị của ông Bùi Trí Dũng và một số công dân, tỉnh Bình Dương. Theo nội dung tại văn bản số 740 thì vào ngày 6/7/2015, Ban tiếp công dân Trung ương đã tiếp ông Bùi Trí Dũng và bà Trương Thị Kim Ánh đại diện cho hơn 40 doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trình bày nội dung:

“Các doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện việc đầu tư sản xuất từ năm 2000 đến năm 2011. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã vay vốn, đầu tư chi phí hàng tỉ đồng và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong khi các doanh nghiệp đang dần ổn định sản xuất thì UBND tỉnh Bình Dương có văn bản 201/UBND-KTN ngày 23/1/2015 v/v triển khai các bước để chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman.

Thực hiện theo ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương tại văn bản số 1217/UBND-KTN ngày 21/4/2015 v/v lập thủ tục chấm dứt hoạt động các lò gạch hoffman, ngày 25/5/2015, UBND huyện Phú Giáo có thông báo số 55/TB-UBND v/v chấm dứt hoạt động các lò gạch hoffman trên địa bàn huyện, cơ quan điện lực không cấp điện để sản xuất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, hàng ngàn người lao động không có công ăn việc làm. Công dân đề nghị được cung cấp lại nguồn điện để các doanh nghiệp ổn định sản xuất”.

Cũng tại buổi làm việc với Ban tiếp công dân, đại diện cho hơn 40 doanh nghiệp sản xuất gạch hoffman đã cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn được vốn vay sản xuất, kinh tế bị thiệt hại nặng, cuộc sống người lao động khó khăn do không có việc làm. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục được sản xuất đến hết năm 2018 (chậm nhất là năm 2020) để các doanh nghiệp có thời gian trả nợ vốn vay đầu tư, tích lũy, đảm bảo đời sống của người lao động và sau đó các doanh nghiệp cam kết từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp theo đúng quy định.

Trước tình thế éo le, tâm tư khẩn thiết của các doanh nghiệp gạch nói riêng và hàng ngàn lao động nói chung, Ban tiếp công dân Trung ương đã chuyển nội dung đơn đến ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời công dân. Đồng thời, cũng đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban tiếp công dân Trung ương.

Thanh tra Chính phủ đề nghị một đường, huyện làm một nẻo ?

Trong khi ngày 6/7/2015 Thanh tra Chính phủ có văn bản với nội dung như đã nêu ở trên thì tại một diễn biến khác, ngay hôm sau, vào ngày 7/7/2015, ông Tô Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Giáo đã chủ trì cuộc họp nghe các ngành báo cáo kết quả xử lý lò gạch Hoffman trên địa bàn huyện. Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Tấn Long (Phó trưởng Phòng kinh tế huyện Phú Giáo), ông Văn Quang Chinh (đại diện phòng QLĐT) cùng đại diện các phòng TNMT, chi cục Thuế, Công an huyện, Điện lực Phú Giáo, Đội QLTT số 6, tổ Thanh tra xây dựng, Văn phòng HĐND – UBND huyện…

Tại cuộc họp ông Tô Văn Đạt cho hay: Trong 2 ngày 24/6 và 25/6/2015, Điện lực Phú Giáo đã chủ trì, phối hợp cùng các ngành có liên quan của huyện và UBND xã Phước Hòa, Vĩnh Hòa tổ chức thực hiện việc hạ tải điện đối với các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn huyện. Kết quả, đã hạ tải điện đối với 25 cơ sở

Với “quyết tâm đóng cửa lò gạch hoffman”, ông Tô Văn Đạt đã chỉ đạo các phòng ban nghiên cứu, phối hợp, xây dựng kế hoạch cưỡng chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman.

Để “mở đường” cho việc cưỡng chế được thuận lợi, ông Đạt đã chỉ đạo Chi cục Thuế tiến hành thu hồi và đóng mã số thuế, thanh hủy hóa đơn đối với các cơ sở sản xuất gạch Hoffman còn lại trên địa bàn huyện. Về phía Công an huyện, ông Đạt chỉ đạo: tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển đất sét vào các lò gạch hoạt động trái phép; phối hợp phòng Tư pháp nghiên cứu cơ sở pháp lý để thực hiện việc tạm giữ theo quy định đối với máy phát điện, các phương tiện vận chuyển đất sét vào lò gạch để sản xuất.

Như vậy, UBND huyện Phú Giáo tiếp tục các biện pháp khẩn trương dồn các DN sản xuất gạch (công nghệ Hoffman) vào bước đường phá sản, như không hề biết có Công văn của Ban tiếp công dân Thanh tra Chính phủ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này một số chủ cơ sở sản xuất gạch Hoffman cho biết: cho đến nay văn bản của phía Thanh tra Chính phủ đã ban hành được hơn một tháng với nội dung đề nghị ông Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời công dân, thông báo kết quả đến Ban tiếp công dân Trung Ương. Tuy nhiên, đến nay, các DN vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản trả lời nào từ phía chính quyền tỉnh Bình Dương.

Phải chăng các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương và huyện Phú Giáo cố tình làm ngơ trước ý kiến của cơ quan trung ương, cũng như lạnh lùng phớt lờ nguyện vọng, tình hình khó khăn thực tế của các doanh nghiệp làm gạch và cuộc sống bấp bênh của hàng ngàn gia đình người lao động nơi đây (?!).

H.Đ - P. Khoa

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động