Thứ tư 18/09/2024 04:18
Giải đáp chính sách

Sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 29/12/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, vừa có hướng dẫn mới về sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Xin quý báo cho biết một số quyền được nêu ra?

(Phạm Anh Thơ, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Ngày 29/12/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Cụ thể, Điều 3 nêu về quyền của trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi trẻ em tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục:

1. Trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng khi tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của trẻ em phải phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

Trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên thì cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm lấy ý kiến của trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Trường hợp trẻ em dưới 07 tuổi thì cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có quyền thay mặt trẻ em để trẻ em tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

2. Trẻ em có quyền tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục trong trường hợp cơ sở, địa điểm mà trẻ em tham gia bảo đảm: an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính của trẻ em; phòng nghỉ, khu vực vệ sinh cá nhân phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em trong đó có trẻ em khuyết tật; bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em.

3. Trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu trẻ em thấy hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục được quy định tại Điều 4:

1. Cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có quyền sau:

a) Từ chối việc tham gia của trẻ em trước khi trẻ em tham gia vào các hoạt động do cơ quan, tổ chức, DN tổ chức trong trường hợp tiến hành kiểm tra sức khỏe mà trẻ em không bảo đảm sức khỏe để tham gia;

b) Yêu cầu cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hủy bỏ việc tiếp tục cho trẻ em tham gia vào hoạt động do cơ quan, tổ chức, DN tổ chức trong trường hợp trẻ em không bảo đảm sức khỏe.

2. Cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có trách nhiệm sau:

a) Thường xuyên quan tâm, theo dõi sức khỏe của trẻ em trong toàn bộ quá trình trẻ em tham gia vào các hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục do cơ quan, tổ chức, DN tổ chức;

b) Thông báo đầy đủ chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, đối tượng, số lượng trẻ em tham gia, hình thức tổ chức, nhân lực (bao gồm hướng dẫn viên, điều phối viên, tình nguyện viên, người phụ trách trẻ em, giảng viên) đến trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ em tham gia hoạt động;

c) Công khai, minh bạch khoản kinh phí đóng góp hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục đến trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ em tham gia hoạt động;

d) Bảo đảm điều kiện về y tế, nhân lực để kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em tham gia hoạt động;

đ) Bảo đảm phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh theo quy định.

Thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục khi xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.

e) Lấy ý kiến cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ em tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và lấy ý kiến của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

g) Quản lý, lưu trữ hồ sơ bao gồm: danh sách nhân lực tham gia vào việc tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục; ý kiến của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; ý kiến của trẻ em.

3. Thông báo với cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chủ quản trước khi tiến hành tổ chức hoạt động trong trường hợp cơ quan, tổ chức, DN tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục thuộc tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang.

Trường hợp tổ chức, DN có chức năng, nhiệm vụ tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục thì trước khi tiến hành tổ chức hoạt động, tổ chức, DN có trách nhiệm thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, DN tổ chức hoạt động.

Trường hợp cơ sở tôn giáo mở lớp học về tôn giáo có sự tham gia của trẻ em, tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo...

B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động