Thứ ba 25/02/2025 08:14

“Số hóa” nghề thêu truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vốn là làng nghề duy nhất giữ nghề “thêu áo cho vua”, trải qua hàng trăm năm lịch sử, những người thợ thêu làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn giữ gìn nét đẹp nghề xưa, vừa tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, vừa sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ số hóa vào sản xuất để tiếp cận đa dạng thị trường.
Thợ thêu làng Đông Cứu thực hiện kỹ thuật thêu tay. Ảnh: Phương Thảo
Thợ thêu làng Đông Cứu thực hiện kỹ thuật thêu tay. Ảnh: Phương Thảo

Làng nghề thêu Đông Cứu từng xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, phát triển rực rỡ thời nhà Nguyễn nổi tiếng với nghề thêu áo long bào cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Nghề thêu được trao truyền qua nhiều thế hệ nhưng vẫn giữ được lối thêu cổ với chỉ ngũ sắc và bắt nét kim tuyến. Hiện làng nghề có 572 hộ thì có 90% số hộ làm nghề thêu, trong đó có hơn 100 cơ sở thêu lớn. Trước đây, thêu thùa là nghề tay trái thì từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều hộ gia đình đổi đời, trở thành nghề chính, phát triển kinh tế tại địa phương.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, làng nghề cũng đối mặt với sự mai một, thất truyền. Quyết tâm giữ nghề cổ, các thế hệ Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi đã phục dựng lại lối thêu truyền thống, đưa làng nghề khởi sắc. Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam được UNESCO vinh danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng năm, nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với bề dày lịch sử và đón nhận danh hiệu, ngoài phục dựng áo long bào các triều đại phong kiến, xưởng may Đông Cứu mở rộng với nghề may khăn chầu, áo ngự. Khác với nhiều làng nghề có tính chất thời vụ, lượng hàng hóa của làng nghề thêu Đông Cứu sản xuất quanh năm nhất là vào dịp cuối năm bước vào mùa nhộn nhịp phục vụ thị trường Tết.

Trong các xưởng thêu, người thợ tỉ mỉ từng đường kim, lối chỉ. Đặc thù của nghề thêu làng Đông Cứu là lối thêu bắt nét kim tuyến, đòi hỏi mỗi người thợ phải biết kỹ thuật, thông thạo ngôn ngữ thêu cổ truyền. Cái khó của nghề thêu không phải là thêu đúng hoa văn, các mũi chỉ phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài, hướng thêu. Trong đó, kỹ thuật thêu được rèn giũa qua năm tháng và phụ thuộc tay nghề của mỗi người thợ.

Phát huy giá trị di sản làng nghề trong thời đại 4.0, các xưởng thêu lớn làng Đông Cứu đã áp dụng công nghệ hiện đại, máy thêu chuyên nghiệp vào sản xuất. Mỗi mét vải sẽ được người thợ tính toán họa tiết trên máy tính, sau đó in bản vẽ và chuyển sang hệ thống thêu tự động.

Xưởng thêu Đông Cứu áp dụng máy móc vào sản xuất. Ảnh: Phương Thảo
Xưởng thêu Đông Cứu áp dụng máy móc vào sản xuất. Ảnh: Phương Thảo

Trung bình, mỗi xưởng thêu có khoảng 50 máy thêu, so về chất lượng, sản phẩm thêu thủ công và thêu máy không có nhiều khác biệt về chất lượng. Việc “số hóa” giúp làng nghề “giữ vững” danh hiệu nghề cổ và đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ thị trường. Hiện nay, nhiều xưởng thêu chủ động bán sản phẩm trên nền tảng số, livertream để tiếp cận đa dạng khách hàng.

Du lịch làng nghề đang trở thành xu hướng mới. Nắm bắt cơ hội, chính quyền địa phương cũng chú trọng phát triển dự án du lịch trải nghiệm, thu hút du khách tham quan. Đẩy mạnh hoạt động du lịch làng nghề nhằm thực hiện Kế hoạch 73/KH-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những mục tiêu tổng quát, phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng.
“Số hóa” di sản làng nghề thêu áo long bào duy nhất ở Hà Nội
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động