Thứ hai 13/05/2024 05:09

Rồng “đầu chó đá” chỉ có trong truyện tiếu lâm …

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH)- Suốt những ngày cuối tuần vừa qua, câu chuyện “con rồng” được tạo hình từ cây của thành phố Cảng nổi rần rần trên các trang mạng xã hội. Thường thì, sự nổi bật của một vấn đề là bởi sức hấp dẫn, lôi cuốn, thì “con rồng” được các trang mạng xã hội nhắc đến như cơm bữa mấy hôm nay, lại bởi sự “hài hước”, mà “hài hước” thì cha đẻ chắc chắn là ông “tiếu lâm”.

Thân hơi giống rồng, đầu “chó đá” …

Dân mạng mấy hôm nay dùng facebook để bình phẩm về tạo hình “rồng” của Hải Phòng. Dù con rồng chưa từng có trong đời thực, mỗi người sẽ có một con rồng riêng trong trí tưởng tượng của mình, nhưng vì sao con rồng của Hải Phòng lại đồng loạt bị “phủ nhận” về cái vẻ bề ngoài như thế? Nếu mới thoạt nhìn, mọi người sẽ không khỏi trầm trồ về độ “chịu chơi” của lãnh đạo Hải Phòng, muốn làm nên sự khác biệt cho thành phố của mình bằng một sự khác biệt!

rong1

Con rồng ở Hải Phòng đã bị dỡ bỏ vì quá lạ

Đúng là, khác biệt hoặc là chết, thì sự khác biệt của bạn rồng Hải Phòng này đã “chết từ từ” cho đến khi chính lãnh đạo Hải Phòng cũng cảm thấy “ngứa mắt” vì phản cảm! Và chú rồng "oai phong" lầm lẫm ấy, đã phải tháo dỡ gấp vì không chỉ “phản cảm” mà còn “gây hại” cho cây xanh (nói giảm đi, là vừa phí tiền, lại bị chê, mang tiếng!)

Không biết đơn vị nào “nghiệm thu” sản phẩm tạo hình rồng này? Chọn hoa nhựa, vàng chóe nổi bật giữa thiên thanh. Phần thân rồng điệu đà, đầy gai góc xù lên ở lưng, nhìn có thể... tạm chấp nhận vì biết đâu trong nhiều trí tưởng tượng phong phú của người Việt, thân rồng cũng có lắm “gai lưng” như thế! Nhưng phần đầu rồng, thì ai nhìn vào cũng nhíu mày “đoán” xem con rồng này là “lai tạo” từ đâu. Nhiều giả thuyết đưa ra, con rồng này giống nhân vật trong “Pikachu”- một nhân vật tưởng tượng trong trò chơi của Nhật Bản.

Thế nhưng, có lẽ phần tạo hình của đầu rồng lại giống với “chó đá” nhất, không biết "nghệ nhân" lúc ấp ủ xây dựng hình tượng rồng có nằm mơ thấy “chó đá” về báo mộng không? Nhưng thân rồng uy nghiêm uống khúc điệu đà bay bổng, còn đầu rồng thì vô hồn như gương mặt chú chó đá trung thành nhưng mắc lỗi bị chủ phạt! Mà con rồng “lạ đời” ấy, chỉ có trong truyện “tiếu lâm” vì khả năng gây cười trong dân gian một cách nhanh chóng như thế!

Vĩ cuồng hình ảnh …

Một bộ phận người Việt “chuộng” hình ảnh đến mức vĩ cuồng. Với họ, vẻ đẹp ấy được đo bằng “kích thước” và “số tiền khủng đầu tư” nên quên đi vẻ đẹp tiềm ẩn, giản dị nhưng cần phải có chiều sâu. Đấy là bộ phận “sính khủng”.

Hải Phòng có quyền “khủng” để “nổi trội” vì Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 cả nước, lớn thứ 2 miền Bắc sau Hà Nội! Nhưng cũng không phải vì “tầm vóc” ấy mà Hải Phòng vội vã đến thế khi “nghiệm thu” một con rồng uy quyền và có trong trí tưởng tượng của mọi người dân trong cả nước, từ cụ già đến trẻ nhỏ, từ chị lao công đến các bác thợ mỏ, thợ hàn, anh thợ cắt tóc đều có một con rồng đẹp đẽ, uy quyền, linh thiêng mà lại cẩu thả đến vậy!

Cách “chữa cháy” của lãnh đạo Hải Phòng khi dỡ bỏ hình ảnh con rồng “kỳ lạ” nhất trong mọi thời đại, là cần thiết, là thái độ kịp thời biết lắng nghe “tiếng dân” để bớt những thờ ơ, lãnh cảm khi sử dụng đồng tiền ngân sách từ thuế của dân mà theo ý chủ quan.

Sau tượng đài “khủng”, là “rồng khủng”, “công viên khủng” trong khi nhiều tỉnh thành có “dự án khủng” vẫn nhận gạo cứu đói từ trung ương. Biết bao giờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân mới thôi lãng phí vào những “dự án khủng” nhưng xa rời thực tế, xa rời đời sống như thế?

Câu chuyện “con rồng” và “những tượng đài khủng” có thể khác nhau về “tên dự án” hay “tầm vĩ mô” của dự án, nhưng rốt cuộc những "vị quan phụ mẫu" vẫn phải lắng lòng lại để nghe dư luận, ắt hẳn cái thời “sống chết mặc bay” và vị quan phụ mẫu muốn “ù” ván bài cuối cùng để mặc đê vỡ, đã qua rồi. Thời đại phát triển, tiếng nói của người dân chính là tiếng nói khách quan của mọi tầng lớp trong xã hội.

Nhà báo Đức Long: Sự buông lỏng quản lý khiến niềm tin của dân vơi đi!

Theo nhà báo Đức Long (Báo Sinh viên Việt Nam), câu chuyện “con rồng lạ” ở Hải Phòng nằm ở việc: “Xây dựng rồi dỡ bỏ, khiến niềm tin trong dân vơi đi, điều này nằm ở sự quản lý, nghiệm thu thiếu trách nhiệm của người có trách nhiệm trong sự việc này.”

duclong1

Nhà báo Đức Long

P/V Báo Pháp luật&Xã hội có cuộc trao đổi ngắn với nhà báo Đức Long xung quanh sự việc này.

Thời gian qua, dư luận xôn xao hình ảnh con rồng kỳ lạ của Hải Phòng, anh tìm thấy điều gì qua những ồn ào của dư luận và cách tạo nên sự "ấn tượng" của Hải Phòng?

Tôi thấy thật may mắn vì hiện nay tiếng nói của dư luận đã thực sự mạnh mẽ và được các cấp lắng nghe. Đấy là điểm tích cực. Tuy nhiên, tôi ước gì những người có trách nhiệm phê duyệt, nghiệm thu các sản phẩm trang trí nơi công cộng nói chung có trách nhiệm cao hơn nữa và nghiêm túc hơn nữa ngay từ đầu thì chúng ta sẽ đỡ tốn kém biết bao, chính quyền đỡ “mang tiếng” biết bao…

Theo anh, vì sao con rồng biểu tượng của sự thiêng liêng lại trở nên “kệch cỡm” trong dư luận như thế?

Tôi cho rằng hình ảnh con rồng “đầu vịt”, “đầu chó” hay “đầu Pikachu” này phản ánh sự thiếu trách nhiệm của những người phụ trách dự án này. Tôi nghĩ thậm chí họ đã không ngó ngàng gì đến sản phẩm ấy cho đến khi hình ảnh rồng Hải Phòng trở thành trò cười trên mạng xã hội.

Nhiều người dân phản ánh việc các lãnh đạo địa phương hiện nay thích khuyếch trương thành phố bằng tượng đài khủng, con rồng khủng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng rất lãng phí và gây bất bình trong dư luận. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi không nghĩ điều đó là sai. Sự tự hào về tinh thần đó không hề có lỗi. Nếu người dân thấy biểu tượng, tượng đài đó đẹp, có ý nghĩa, đúng với tầm vóc…họ sẽ không phản ứng, không tiếc tiền thuế mà mình đã đóng góp. Có điều, như chúng ta đã biết, rất nhiều trong số này quả thực tiền thực hiện thì nhiều, mà sản phẩm lại quá dở, từ hình thức đến chất lượng.

Lãnh đạo Hải Phòng đã vội tháo dỡ ngay con rồng “kỳ lạ” để dẹp yên dư luận. Anh có góc nhìn tích cực, tiêu cực về sự việc trên như thế nào?

Như đã nói ở trên, tôi vẫn cho rằng việc trang trí các địa điểm công cộng nhân dịp lễ Tết vẫn là việc nên làm. Tôi không đánh giá đây là bệnh thành tích hay “sính khủng”. Tuy nhiên, cần phải nghiêm khắc trong việc giám sát, kiểm tra, nghiệm thu thành quả cuối cùng, bởi nếu cứ lơi lỏng như vậy, cứ xây rồi đập như vậy, tiền ngân sách mất đi đã đành, lòng tin của người dân cứ vơi dần đi mới là thứ không gì bù đắp được.

Thanh Lan / PLXH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động