Quy hoạch Điện VIII khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Quy hoạch điện VIII tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới với quy mô phù hợp. |
Quy hoạch là nhiệm vụ cấp bách
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực, cụ thể như: Chính phủ đã ban hành Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam và Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện Mặt trời, điện gió chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Hơn nữa, việc Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cùng với đó là sự ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện do sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện Mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này; những khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt …
Bộ Công thương cho biết, việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân trong tương lai, ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn, cụ thể như: Nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu...
Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được xem là nhiệm vụ cấp bách.
Khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện
Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Hội đồng Thẩm định bỏ phiếu thông qua vào ngày 3-10. Bộ Công Thương đã hoàn thiện và gửi tờ trình lên Chính phủ về việc phê duyệt đề án.
Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VIII đã hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, phát triển cân đối, hài hòa công suất nguồn trên từng vùng, hướng tới đảm bảo cân bằng nguồn - tải nội vùng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nhằm giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện.
Sau khi tiếp thu và điều chỉnh đề án, các nguồn điện đã có sự cân đối hơn. Trong đó, nhiệt điện than giảm tỷ trọng đáng kể so với hiện nay, còn nhiệt điện khí sẽ tăng lên. Nhiệt điện than đến năm 2030 là 40.899 MW, chiếm tỷ lệ 28,4 - 31,4%. Còn nhiệt điện khí năm 2030 tăng rất mạnh, công suất lên đến 27.471 - 32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1 - 22,4%. Đặc biệt, đến năm 2045, tỷ trọng nhiệt điện than giảm xuống, chỉ chiếm 15,4 - 19,4%, còn nhiệt điện khí (tính cả LNG) tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5 - 26,9%.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2031-2045, Quy hoạch điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045.
Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ, năm 2025 tỷ trọng thủy điện là 23,2 - 24%, nhiệt điện than 40,5 - 42,4%, nhiệt điện khí 13,1 - 15,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 16,4 - 17,1%, nhập khẩu 4,1 - 4,5%.Đến năm 2045, thủy điện là 8,2 - 9,8%, nhiệt điện than 27,4 - 32,4%, nhiệt điện khí 28,4 - 33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5 - 28,4%, nhập khẩu 3,05 - 3,1%.
Bộ Công Thương cho rằng, với chương trình phát triển nguồn điện như trên, điện năng sản xuất và nhập khẩu các giai đoạn trong Quy hoạch điện VIII đều đáp ứng nhu cầu điện dự báo. Hơn nữa, hệ thống lưới điện truyền tải tại Quy hoạch điện VIII cũng được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao; khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.
Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch,” đại diện Bộ Công Thương thông tin. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại