Thứ hai 16/12/2024 03:43

Phút trải lòng của những cán bộ y tế xử lý thi hài người nhiễm Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mọi thứ phải được sắp xếp, thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc xử lý thi hài người nhiễm SARS-CoV-2. Tất cả quy trình làm việc đều phải khép kín, và được khử khuẩn từng giai đoạn xử lý hết sức chặt chẽ, đúng nguyên tắc để tránh mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thay mặt người thân tiễn biệt người quá cố!

Ê kíp ấy gồm có 4 người, không cần ai chỉ bảo ai, tất cả công việc liên quan, quy trình xử lý thi hài bệnh nhân nhiễm Covid-19 được thực hiện một cách cặn kẽ nhất. Trong đêm tĩnh mịch, 4 người cứ thế lặng lẽ làm việc, với những lần ra dấu, ký hiệu để xử lý công việc một cách trôi chảy. Với họ, cái quan tâm nhất đó là muốn bản thân họ như được thay mặt những người thân yêu của người quá cố, làm những việc cuối cùng thật chu đáo, như một lời tiễn biệt để người đã mất không cảm thấy sự cô quạnh...

Lắng nghe những tâm sự ấy của ê kíp xử lý tử thi nhiễm Covid-19, tôi phần nào thấy rõ hơn được sự vất vả, nguy hiểm mà các anh đối diện. Nhưng hơn hết, qua đó, mới cảm nhận hết trách nhiệm, sự tận tâm, tử tế và thiện lương. Ở góc độ nào đó, họ đã thay mặt gia đình, tiễn đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng với những việc hết sức chu đáo, ấm áp, xóa tan sự lãnh lẽo, cô đơn nơi nhà xác, nơi cuối con đường của một kiếp người...

Cả 4 người đều là cán bộ bệnh viện Đa khoa Nghệ An, trong số họ, có những người đã hai tháng nay chưa một lần rời khỏi vị trí, nhiệm vụ và khu vực cách ly đặc biệt. Mỗi ngày trôi qua, họ luôn phải thường trực đảm đương những nhiệm vụ tại BV, và cứ như vậy, họ phải chấp nhận, chỉ một mong mỏi chờ ngày hêt dịch sẽ có phút giây nhẹ nhàng, vui vẻ bên gia đình.

12g trưa ngày 5-7, anh T. và 3 đồng nghiệp khác (nhân vật xin được giấu tên) nhận được nhiệm vụ liên quan công tác xử lý thi hài người nhiễm Covid-19 vừa tử vong tại BV. Mọi thứ dường như không có gì là bất ngờ, lúng túng, sau khi nhận nhiệm vụ, các anh mặc đồ bảo hộ và khẩn trương bắt tay vào công việc. Tất cả phải được tiến hành khẩn trương, đúng quy định, đúng các bước đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Những vật dụng liên quan đều được khử khuẩn, từ buồng bệnh nhân tới khu vực nhà xác, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát, khử khuẩn hết sức chi tiết, không bỏ lọt bất cứ một dụng cụ, công đoạn nào.

Sau khi tiếp nhận thi hài bệnh nhân nhiễm Covid-19 là cụ bà N.T.D (71 tuổi, phường Vinh Tân, TP Vinh), 4 cán bộ y tế thuộc BVĐK Nghệ An lặng lẽ thực hiện các công việc đã phân công từ trước, làm công tác khâm liệm theo đúng phong tục, quy định trước khi tiếp tục đưa thi hài người tử vong đi hỏa táng. Mọi thứ đều được các anh làm chu đáo, sạch sẽ nhất, và hơn đó là sự tôn nghiêm, kính trọng đối với người xấu số vừa mới qua đời.

Phút trải lòng của những cán bộ y tế xử lý thi hài người nhiễm Covid-19
Trước, trong và sau khi di chuyển thi hài người mất do nhiễm Covid-19, cả ê kíp làm việc 4 người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khép kín, phun khử khuẩn cặn kẽ.

Suốt quá trình ấy, ngoài 4 cán bộ y tế BV ra, không có bất kỳ ai tham gia, kể cả người nhà của người đã khuất. Theo quy định và thực tế, do những người nhà của người mất đang thuộc diện phải cách ly vì là F1, nên mọi công tác, thủ tục lo cho thi hài người mất do nhiễm Covid-19 đều được 4 nhân viên y tế thực hiện hoàn chỉnh, theo đúng nghi thức, nghi lễ phong tục tập quán. Không cho phép bất kỳ một sai sót nào, dù là nhỏ nhất, mọi thứ diễn ra theo đúng quy trình và hết sức cẩn trọng, luôn thực hiện phun khử khuẩn địa điểm, khu vực một cách bài bản.

“Lần đầu làm nhiệm vụ này thì cũng hơi lo lắng chút xíu, nhưng cứ nghĩ rằng họ đã mất rồi, giờ gia đình cũng chẳng có ai được phép tiếp cận mà lo chuyện tang như bình thường. Anh em chúng tôi cũng gắng hết sức, làm đủ các bước như một phần trách nhiệm để người thân của nạn nhân cũng được an ủi phần nào. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có những suy nghĩ ấy, trước những bối cảnh ấy. Và lúc đó cảm xúc cũng khó tả, chỉ mong làm sao đó vừa xong công việc, nhưng vừa thanh thản lương tâm mình, cảm thấy mọi việc làm cuối cùng cho những người mất ấy đều chu đáo, để họ được thanh thản ra đi...” – anh T. dành chút thời gian hiếm hoi trong giờ nghỉ sau một ngày bận rộn với nhiệm vụ, tâm sự với PV.

Sau khi thực hiện xong các bước xử lý tại BV, thi hài người tử vong sẽ được di chuyển bằng xe tới địa điểm nhà tang lễ để thực hiện hỏa táng. Đến 19g cùng ngày thi hài người mất đã được làm xong các thủ tục cần thiết, và bắt đầu đưa vào lò hỏa táng. Tro cốt người mất được gửi lại đài hỏa táng, chờ ngày người thân của người đã khuất sang nhận về rồi tiếp tục làm các thủ tục theo phong tục địa phương.

Những hi sinh thầm lặng !

Chuyện tiếp xúc thường xuyên với thi thể người quá cố tại BV dường như chẳng phải xa lạ gì với anh T. Nhưng lần đầu thực hiện nhiệm vụ lo hậu sự theo đúng quy định đối với thi hài người tử vong do nhiễm Covid-19, đối với anh T. đã để lại rất nhiều cảm xúc. Đó là lần đầu anh và những đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ trong sự im lặng đến khó tả, không một tiếng nói, tất cả gần như sử dụng cử chỉ, hành động để phối hợp. Đó là lần đầu không còn nghe tiếng khóc của người thân bên thi hài người đã mất. Là lần đầu cảm giác nặng nề hơn về trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc và trong cả lương tâm mình...

Anh T. cũng như nhiều đồng nghiệp khác, từ ngày TP Vinh bùng phát dịch Covid-19, nhẩm sơ qua anh bảo, cũng phải gần hai tháng rồi, chưa có một giấc ngủ thật an tâm, hay một bữa cơm gia đình ấm cúng. Nhớ vợ, nhớ con cũng chỉ gọi điện và xem cả nhà qua video. Khi tắt điện thoại, lại dâng trào bao cảm xúc, thèm muốn được ôm con vào lòng sau những ngày dài đong đầy nỗi nhớ. Và rồi họ lại cứ lao vào công việc, lại đối diện với khu vực cách ly, thường xuyên phải lấy mẫu để xét nghiệm sàng lọc...ngày qua ngày, họ đã phải nỗ lực, không một chút than trách, hay mưu cầu.

“Xác định thôi, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, bao đồng nghiệp cũng thế, có ai được thoải mái nghỉ ngơi, nào là truy vết, là lấy mẫu, là đi từ tỉnh này sang tỉnh khác để tham gia phòng chống dịch. Chẳng mưu lợi, mưu cầu, còn tình nguyện vào nơi nóng nhất của tâm dịch...Nghề Y vốn dĩ đã tất bật, đã vất vả, đứng trước những thời khắc như lúc này thì bắt buộc mỗi cán bộ của ngành phải nỗ lực gấp bội. Hơn ai hết, anh em hiểu được sự lo lắng của nhân dân, trong đó có cả người thân mình, vợ con mình. Chỉ một quyết tâm là tiến lên, chỉ một mục đích là sự nỗ lực có thể khiến nhân dân an tâm, khỏe mạnh. Khi mọi thứ được kiểm soát, thì khi đó mới có cảm giác an tâm và trở về nhịp sống thường nhật nơi bệnh viện cũng như về nhà ăn bữa cơm, có giấc ngủ bên gia đình. Chỉ mong mọi người ai cũng ý thức, trách nhiệm và chung tay với ngành y, với bệnh viện, để mọi thứ được tốt đẹp, yên bình” – Bên kia điện thoại, anh T lặng đi một lúc sau khi tâm sự.

Phút trải lòng của những cán bộ y tế xử lý thi hài người nhiễm Covid-19
Chỉ khi thi hài người mất được đưa vào lò hỏa táng thì khi đó nhiệm vụ của cán bộ y tế xem như đã hoàn thành

Đối mặt với nhiệm vụ lần đầu khi lo hậu sự cho thi hài người mất nhiễm Covid-19, anh T. bảo cũng lo lắm, vì dường như quy trình là phải khép kín, hết sức tỉ mỉ, mọi thứ phải chặt chẽ, phải xử lý khử khuẩn sau mỗi công đoạn. Đã vậy còn phải hạn chế tối đa việc trao đổi công việc bằng miệng. Mọi thứ anh em đã bàn bạc, tính toán và khi vào làm cứ theo cử chỉ hành động để hiểu và thực hiện. Mọi thứ cứ thế diễn ra nhẹ nhàng và trong sự im ắng...Phải bảo đảm rằng trong đó phải có sự an toàn cho anh em, không được phép chủ quan, sơ sẩy.

Điều đọng lại sau lần đầu xử lý thi hài người bệnh nhiễm Covid-19 tử vong mà anh T và các đồng nghiệp đều thấy rõ đó là sự thanh thản. Anh T bảo, thật ra nếu một người tử vong vì bệnh tật bình thường thì khác, bên cạnh còn có người thân, rồi sau đó khi đi hỏa táng còn có người thân đi cùng. Nhưng trường hợp này thì không, do đó anh em chúng tôi làm việc với trách nhiệm từ lương tâm, sự chu đáo và cả sự chăm chút nhất, tốt nhất cho thi hài người đã mất, để làm sao đó trong tâm khảm những người thân của họ cũng thấy được an lòng. Và ngay bản thân tôi cũng thấy nhẹ nhõm, vì dẫu sao cứ có cảm giác mình đã làm trọn bổn phận nhất có thể để người quá cố thấy yên lòng, ra đi thật thanh thản.

Và khi thi hài người tử vong được hoàn tất việc cuối cùng, toàn bộ tro cốt được bàn giao lại cho đơn vị tang lễ để họ thực hiện việc cất giữ chờ ngày gia đình người đã mất qua làm thủ tục nhận tro cốt. Sau khi xong xuôi nhiệm vụ, lại tiếp tục phải khử khuẩn phương tiện, xe cộ, vật dụng...rồi các anh mới quay trở lại BV, lúc về tới BV thì cũng đã sang ngày mới, sau khi hoàn tất việc cá nhân, 4 anh em lại ăn tạm mỳ tôm đỡ đói, rồi chợp mắt một xíu lại phải dậy để thực hiện nhiệm vụ buổi sáng tại BV.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động