Phe đối lập Venezuela đang suy yếu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChưa rõ vị thế của phe đối lập
Theo đánh giá của ông Michael Shifter, Chủ tịch Viện Đối thoại liên Mỹ, sự tham gia của Mỹ có thể rất quan trọng trong việc phá vỡ thế bế tắc kéo dài trên chính trường Venezuela, song dù sao đi nữa thì chính quyền Trump cũng nên cẩn thận để không vượt qua các ranh giới mong manh trong cuộc chơi này. Ông Shifter giải thích: "Mỹ không chỉ có cơ hội mà còn có trách nhiệm sử dụng các đòn bẩy, họ phải tìm cách thúc đẩy vị thế của phe đối lập và cố gắng đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, họ sẽ bị coi là vượt qua giới hạn khi hướng các cuộc tiếp xúc theo con đường không phù hợp với những gì Guaido đang được ủng hộ”. Về phần mình, thủ lĩnh đối lập Guaido không đề cập trực tiếp tới các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Venezuela, song khẳng định từ nhiều tháng qua ông đã thúc đẩy quá trình chuyển tiếp một cách hòa bình với chính quyền Venezuela. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Guaido cho biết “sẽ không ngừng các nỗ lực” để đạt được mục tiêu đề ra.
Phe đối lập của Juan Guaido đang suy yếu. Ảnh tư liệu |
Các nguồn tin phương Tây cho biết, nhân vật đại diện cho Chính phủ Venezuela đàm phán bí mật với phía Mỹ là Chủ tịch Quốc hội lập hiến Diosdado Cabello, một trong những quan chức có quyền lực nhất tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro đã thừa nhận về cuộc gặp gỡ bí mật của quan chức Venezuela với phía Mỹ, và cuộc gặp này đã nhận được sự đồng ý của ông, song không tiết lộ cụ thể về người đại diện. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Trump để bình thường hóa quan hệ song phương nếu Washington thực sự muốn điều đó.
Giới quan sát cho rằng, bất kỳ sự liên lạc nào giữa Mỹ và Venezuela đều là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, bản chất thực sự của các cuộc đối thoại và khả năng đạt được một điều gì đó giữa hai bên mới là vấn đề đáng bàn và cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng hơn. John Polga-Hecimovich, chuyên gia khoa học chính trị tại Học viện Hải quân Mỹ cho biết, đến nay vẫn không rõ thủ lĩnh đối lập Venezuela Guaido có liên quan thế nào tới cuộc tiếp xúc bí mật này. Nếu cuộc đối thoại là một hoạt động đơn phương giữa chính quyền Trump và Tổng thống Maduro thì sẽ là một chỉ dấu cho thấy vai trò của phe đối lập có vẻ đang suy yếu và là minh chứng về sự hạn chế của phe đối lập.
Chuyên gia phân tích chính trị người Venezuela Carlos Romero đánh giá cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela vẫn chưa có lối thoát bất chấp những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ nhằm bóp nghẹt chính quyền Maduro. Trong khi đó, phe đối lập cũng không có được một chiến lược thực sự hiệu quả và đó có thể là lý do Nhà Trắng đang phải tìm kiếm một hướng đi mới.
Tăng cường đối thoại với phe đối lập
Song song với việc tiếp xúc với Mỹ, Chính phủ Venezuela cũng tăng cường đối thoại với phe đối lập. Hôm 15-8, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho biết, Caracas sẽ nối lại đối thoại với phe đối lập nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế hiện này dựa trên một “cơ chế được suy tính lại”. Ngoại trưởng Arreaza cho biết Chính phủ Venezuela đang thúc đẩy những thay đổi trong cơ chế đối thoại trước khi quay trở lại bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh, cơ chế mới này phải “đảm bảo hòa bình, sự chung sống giữa tất cả những người Venezuela” bởi cơ chế đàm phán trước đó tại Barbados “đã dẫn tới kết quả là cuộc bao vây, sự công kích và những âm mưu, ý định đảo chính liên tiếp”. Theo ông, đại diện Chính phủ Venezuela sẽ gặp các nhà trung gian hòa giải Na Uy để thảo luận vấn đề này.
Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập bắt đầu vào tháng 5. Cách đây ít ngày, Tổng thống Maduro đã cho ngừng các cuộc đàm phán nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Chính phủ Venezuela. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Arreaza khẳng định, Tổng thống Maduro chỉ quyết định ngừng chứ không phải rút khỏi các cuộc đối thoại do Na Uy làm trung gian và do vậy chắc chắn “sẽ có những tiếp xúc” liên quan tới vấn đề này.
Venezuela đang phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt và sự cô lập ngoại giao của Mỹ kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị từ tháng 1 vừa qua sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, được Washington hậu thuẫn, tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng, đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng sau.
Ngày 17-8, Ngoại trưởng Arreaza tuyên bố Venezuela đang sử dụng tất cả mọi cách hợp pháp có thể để đối mặt với những hậu quả của cuộc bao vây cấm vận tàn bạo mà Mỹ áp đặt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng phải tố cáo các biện pháp đơn phương của Washington lên các tổ chức quốc tế, chính trị, thương mại và tư pháp từ góc độ luật pháp quốc tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại