Phạt tiền là hình phạt chính với tội phạm tham nhũng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Bộ luật Hình sự sửa đổi cần xác định đầy đủ các hành vi có bản chất tham nhũng là tội phạm, bổ sung quy định về kê khai tài sản, làm giàu bất chính, tham nhũng trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài, mở rộng khái niệm “của hối lộ” sang những lợi ích phi vật chất”, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đưa ra khuyến nghị tại hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng – Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức hôm 3-7.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.Thảo
Ông Dũng cho rằng, tham nhũng đang là quốc nạn và chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn. Do đó, cần bổ sung vào Luật Hình sự tội Làm giàu bất chính, sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị tài sản tham nhũng, trách nhiệm hình sự với pháp nhân… Do tính ẩn của tội phạm tham nhũng cao, nên cần có quy định cơ chế xử lý đảm bảo tính linh hoạt, độc lập, đề cao trách nhiệm gắn chặt giữa công tố và hoạt động điều tra và vai trò, khả năng tiếp cận của luật sư trong điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng.
Theo kết quả nghiên cứu, khung pháp lý hiện hành của Việt Nam còn một số nội dung chưa cập nhật so với chuẩn mực quốc tế cũng như pháp luật hình sự của nhiều quốc gia. Luật hình sự nhưng chưa bao quát được tất cả các hình thức tham nhũng và phạt tiền không được quy định là hình phạt chính với tham nhũng ít nghiêm trọng mà chỉ được quy định là hình phạt bổ sung có tính tùy nghi. Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, thu hồi tài sản là một trong các mục tiêu lớn thì lại đạt mức rất thấp, trước 2013 đạt dưới 20%, năm 2014 đạt 22%. “Phải chăng cần có biện pháp giám sát ngay từ khi điều tra như kê biên, phong tỏa tài khoản để không kịp tẩu tán”, ông Khánh nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định về kê khai tài sản hiện còn mang tính hình thức, cần sửa theo hướng quy định rõ và có cơ chế kiểm tra, giám sát việc kê khai cũng như biến động về tài sản, có biện pháp bảo vệ tài sản để thu hồi. Ông Luyến cũng đề nghị giữ hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe và luật hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cũng cho biết, các quy định về điều tra, truy tố, xét xử theo Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành chưa thực sự hợp lý, chưa tính đến tính đặc thù và tình hình nghiêm trọng của tội phạm tham nhũng. CQĐT không được giao thêm những quyền hạn đặc biệt trong điều tra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Còn Viện Kiểm sát là cơ quan được giao chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhưng lại thiếu cơ chế bảo đảm cho mọi yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát về chứng minh tội phạm được thực hiện đầy đủ.
Đồng thời, các quy định pháp luật liên quan cũng thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện giám định tư pháp, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong tiếp nhận và sử dụng kết luận giám định và mới chỉ quy định nguyên tắc mà chưa quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm hoặc người làm chứng.
Báo cáo nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng – thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” cho biết cơ quan CA gặp khó khăn vì tính phức tạp, kín đáo của tội phạm, sự thiếu tích cực và hợp tác của nhân chứng, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản nên có tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng. Còn theo kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì số vụ án tham nhũng phát hiện được còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, tỷ lệ án tham nhũng bị đình chỉ điều tra còn nhiều, tiến độ điều tra chậm. Viện Kiểm sát vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, vẫn để CQĐT vi phạm thời hạn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoạt động điều tra; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ cao, miễn trách nhiệm hình sự còn nhiều, kể cả với những bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…
Ông Sarah Dix, cố vấn chính sách của UNDP cung cấp một số liệu đáng quan tâm là trong 20 quốc gia ít tham nhũng nhất, không quốc gia nào áp dụng án tử hình cho tội tham nhũng. Hình phạt cao và cố định làm giảm số trường hợp tham nhũng, nhưng lại làm tăng quy mô số tiền/giá trị tài sản hối lộ. Trong một số lĩnh vực, ông Sarah Dix cho rằng, việc hình sự hóa hành vi tham nhũng đem lại lợi ích cho xã hội nhưng lại tạo ra động cơ khuyến khích tham nhũng và kinh doanh phi pháp.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng, các chuyên gia khuyến cáo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự cần được sửa đổi. Trong đó, phải xác định đầy đủ các hành vi có bản chất tham nhũng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, mở rộng thẩm quyền điều tra cho Viện Kiểm sát, quy định phạt tiền là hình phạt chính, xây dựng cơ chế phù hợp để khuyến khích và bảo vệ người tố cáo, người làm chứng… để hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả xử lý với tội phạm tham nhũng.
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại