Thứ sáu 28/06/2024 04:15

Ông chủ salon tóc cùng bạn học rủ nhau đi cướp giật tài sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Đã từng được gọi danh “ông chủ salon tóc”- một nghề được coi là hốt ra tiền nhưng Phạm Văn Tú, SN 1990, trú tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lại luôn ở trong tình trạng tiền khô cháy túi vì cửa hàng ế khách.


Ngày dỡ bỏ biển hiệu, trả lại địa điểm thuê cửa hàng cũng là ngày Tú gật đầu cùng hai người bạn học cũ bắt tay vào “làm ăn”… cướp giật.

Trong khi về quê ăn giỗ bố, Tú biết tin đồng bọn của mình bị CQCA bắt giữ nên hắn nhanh chân bỏ trốn vào Nghệ An xin tá túc với lý do: “Mới đánh nhau”. Tuy nhiên, được vài ngày, Tú đã phải tra tay vào còng số 8. Lực lượng chức năng làm rõ ổ nhóm đối tượng có Tú tham gia đã gây nên 28 vụ cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn quận Hà Đông và một số khu vực giáp ranh.

Các đối tượng trong vụ án, ngoài Phạm Văn Tú còn có Nguyễn Văn Tuyền, SN 1995 với vai trò là chủ mưu và Nguyễn Văn Bắc, SN 1996, cùng trú tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức và Nguyễn Hữu Tiến, SN 1994, trú tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức.

28 vụ cướp giật tài sản của phụ nữ

Khoảng 13g ngày 23-6, chị T.P.M, SN 1997, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đang đi xe máy trên đường Trần Phú, quận Hà Đông thì bất ngờ bị hai đối tượng đi xe máy nhãn hiệu Dream màu nâu, không BKS áp sát và giật của chị M chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu Samsung Galaxy Trend GT-S7560 màu trắng. Chỉ sau vài phút khi vụ cướp giật xảy ra, tại ngã 3 Lê Trọng Tấn thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, một vụ cướp giật tương tự với chị N.H.T, SN 1987, trú tại đường Quang Trung, quận Hà Đông. Thời điểm đó, chị T vừa đi xe máy vừa cầm chiếc điện thoại nhãn hiệu OPPO màu trắng đã bị hai nam thanh niên đi xe Dream áp sát, gây nên hành vi cướp giật nhưng do chị T cầm chắc tay nên hai tên không giật được.

Sau khi lập chuyên án vào cuộc điều tra, thủ phạm của hai vụ cướp giật điện thoại nêu trên được làm rõ là do hai đối tượng Nguyễn Văn Tuyền và Nguyễn Văn Bắc gây nên. Chiếc ĐTDĐ cướp giật của chị M bọn chúng mang về quê bán cho một cửa hàng ĐTDĐ được 1 triệu đồng và chia nhau tiêu xài.Tiếp tục củng cố hồ sơ vụ án, lực lượng chức năng đã làm rõ, ngoài 2 vụ cướp giật trên, với phương thức thủ đoạn tương tự, Tuyền, Bắc cùng Tú và Nguyễn Hữu Tiến đã gây nên 26 vụ cướp giật tài sản khác trên địa bàn quận Hà Đông và khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo lời khai của các đối tượng thì khoảng tháng 2-2014, Tuyền và Bắc không có việc làm nên bàn bạc kế hoạch đi cướp giật tài sản để lấy tiền ăn tiêu. Sau khi đi khảo sát, chúng nhận thấy khi lưu thông bằng xe máy trên đường hoặc ngay cả khi đi bộ, có rất nhiều người, đặc biệt phụ nữ thường vừa đi vừa nghe điện thoại, hay đứng bên đường đợi người thân rồi cầm điện thoại xem ảnh, nghe nhạc; đeo túi xách hoặc để túi xách ở phía trước xe máy… Những tình huống chủ quan đó được chúng đưa vào tầm ngắm. Thời gian gây án được chúng chọn là vào tầm trưa, đường vắng người qua lại sẽ an toàn khi gây án lại thông thoáng, dễ bề tẩu thoát.

Vụ cướp giật được các đối tượng nhớ nhất là vụ cướp giật túi xách của một phụ nữ ở gần siêu thị Big C, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Khi đó khoảng 13g ngày 6-4, Bắc và Tuyền đang lượn lờ thì nhìn thấy một phụ nữ đi xe máy có treo túi xách phía trước xe nên bọn chúng đi theo, áp sát và giật chiếc túi xách. Toàn bộ số tiền 18 triệu đồng bên trong túi xách được 2 tên chia đều rồi nướng vào ăn tiêu. Hay trước đó, vào khoảng 14g ngày 5-3, Tiến và Tuyền áp sát mục tiêu là một phụ nữ đứng đợi xe buýt ở khu vực cổng siêu thị Big C và khi nhìn xung quanh không có ai, một trong hai tên nhanh tay giật chiếc điện thoại iPhone 4S chị này đang nghe rồi đem bán được 5 triệu đồng.

Các đối tượng cũng khai nhận, khi tài sản cướp được là điện thoại, bọn chúng phần lớn đều mang về quê để bán cho “đỡ bị ép giá”. Và còn tránh bị phát hiện, các đối tượng cũng thường xuyên thay xe hoặc thay màu xe, các xe này bọn chúng mua với giá rẻ tại các hiệu cầm đồ.


Hai đối tượng Bắc, Tuyền cùng tang vật vụ án. Ảnh: Linh Anh


Và gần 20 vụ cướp giật trượt

Trong 4 đối tượng có hành vi cướp giật, ngoài Tú có nghề cắt tóc thì Tuyền, Bắc, Tiến là những lao động tự do. Nguyễn Văn Bắc bao biện: “Từ sau Tết, việc không có, bọn em cạn tiền nên rủ nhau đi cướp giật. Tuyền đã từng có 1 tiền án cướp giật, mới ra trại hồi tháng 8-2013 nên là người lên kế hoạch và em đồng ý làm theo. Mỗi ngày nhiều nhất bọn em gây ra hai vụ cướp giật và rất nhiều lần đi cướp nhưng không được gì. Em nhớ có đợt bọn em “đi làm” cả tuần liền mà không có “chiến lợi phẩm” nào nên “âm” cả tiền xăng”.

Còn Phạm Văn Tú khai: “Em học nghề tóc từ cuối năm 2008. Đợt trước em từ nhà lên Hà Nội thuê địa điểm mở cửa hàng. Người ta làm thì được còn em làm khách vắng teo, tiền công không đủ tiền thuê địa điểm nên em đâm ra chán nản, từ bỏ nghề và định đi tìm việc khác. Trong thời gian này em về quê ngoại chơi và gặp mấy thằng bạn học cùng cấp 2. Chúng nó rủ em “đi làm” với mức lương “khỏi bàn” và em đồng ý luôn. Giờ thì em biết mình đã sai và rất ân hận. Giá em vẫn theo đuổi nghề tóc thì đã không ra nông nỗi này…”.

Theo các ĐTV, đến thời điểm bị bắt giữ thì ngoài 28 vụ cướp giật tài sản đã gây nên, có gần 20 vụ cướp giật khác nhưng không cướp được tài sản gì. Hành vi của các đối tượng là rất nguy hiểm vì có vụ việc nạn nhân bị ngã, bị kéo rê, gây thương tích khá nặng.

Hiện Cơ quan CSĐT, CA quận Hà Đông đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 4 đối tượng Nguyễn Văn Tuyền, Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Hữu Tiến và Phạm Văn Tú về hành vi cướp giật tài sản; riêng Nguyễn Hữu Tiến bỏ trốn, lực lượng chức năng đang tích cực truy bắt và khẩn trương hoàn tất hồ sơ để truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Linh Anh

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động