Thứ tư 15/01/2025 20:50

Nữ thanh niên xung phong và câu chuyện một thời khói lửa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiến tranh đã rời xa nhưng những ký ức, đau thương về một thời khói lửa vẫn còn mãi trong tâm trí của những người đã trải qua thời kỳ đó. Ngày nay, khi được chăm sóc, nuôi dưỡng, họ cảm thấy những cống hiến, hy sinh cho đất nước luôn được đền đáp xứng đáng.
Bà Vương Thị Là, cựu thanh niên xung phong đang được nuôi dưỡng tại trung tâm
Bà Vương Thị Là, cựu thanh niên xung phong đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một nơi khá đặc biệt. Tại đây đang nuôi dưỡng 40 người có công, trong đó có người là mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sĩ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Tại trung tâm, các phòng chăm sóc, điều dưỡng người có công đều khang trang, sạch sẽ hàng ngày được trung tâm chăm sóc từ miếng ăn, tấm áo. Mọi người đều rất hài lòng về cung cách phục vụ đến chế độ, thái độ của nhân viên tại đây. Nhưng khi trò chuyện với mọi người mới thấy, trong những người đang được nuôi dưỡng tại đây, ai cũng có chút đượm buồn. Họ không buồn vì cung cách phục vụ, mà buồn vì chiến tranh đã cướp đi của họ quá nhiều thứ, từ tuổi thanh xuân, đến niềm hy vọng…

Chia sẻ với PV, bà Vương Thị Là, cựu thanh niên xung phong đang được nuôi dưỡng tại trung tâm cho biết, năm 20 tuổi bà đi thanh niên xung phong vào chiến trường B - chiến trường ác liệt nhất thời đó. 4 năm chiến đấu tại đây, bà đã chứng kiến nhiều nỗi đau của đồng đội, đồng bào, đến giờ những ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà. Bà Là cho biết thêm, đội của bà có 12 chị em. Khi mọi người đang véo von, bỗng xoẹt một tiếng, rồi đất đá rung chuyển khắp nơi.

Sau đó, bà gọi mọi người nhưng chỉ còn 3 người sống sót. Những người mất thi thể không còn nguyên vẹn và lẫn lộn ở nhiều nơi nên bà và hai người nữa đã phải đi gom lại, bới sỏi đá tìm từng bộ phận thi thể người rồi chia sao cho đủ mỗi phần có một ít để chôn cất cho đồng đội.

Bà Là thông tin thêm, chiến tranh ác liệt lắm, di chứng chiến tranh đã khiến bà từ người có thể đi lại, tự chủ được trở thành người bị liệt hai chân, không thể đi lại. Tuy nhiên, bà vẫn còn may mắn hơn các đồng đội vì còn sống để trở về còn các đồng đội thì mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Theo bà Là, có người nói nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng với bà thì nó mãi là những ký ức buồn, mãi ám ảnh bà cho đến cuối cuộc đời.

“Mọi người không thể tưởng tượng với người dân tay không tấc sắt bị tử vong do bom đạn đau đớn thế nào đâu. Đau đớn lắm, vì đó là đồng bào mình”, bà Là nhớ lại và chia sẻ, bà sẵn sàng bỏ tất cả các huân huy chương, để đổi lại sự sống cho người mẹ ấy.

Người mẹ mà bà Là nhắc đến còn khá trẻ, đã mất trong một trận đánh bom của địch. Khi đoàn của bà Là hành quân tới, lật từng đống đổ nát thì mới tìm kiếm được. Người mẹ khi ấy chắc đã tử vong lâu rồi. Cô ấy dùng lưng mình che cát sỏi phía trên, khi bà Là lật người lên, con cô ấy vẫn còn đang bú mẹ. Sau đó, mọi người tiếp tục hành quân và giao đứa trẻ lại cho hậu phương.

Bà Nga được nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên chăm sóc
Bà Nga được nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên chăm sóc.

Cùng được nuôi dưỡng tại trung tâm là trường hợp bà Nga, năm nay hơn 80 tuổi, là vợ liệt sĩ, sống đơn côi một mình. Bà Nga lấy chồng được 15 ngày thì ông nhập ngũ và bà ở vậy dành cả thanh xuân chờ đợi, cuối cùng nhận được là tờ giấy báo tử. Bà buồn vì thời gian bên chồng rất ngắn nhưng bà tự hào vì sự hy sinh của chồng bà thật ý nghĩa, góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên, SN 1992, đang làm việc tại trung tâm cho biết, khi làm việc tại trung tâm, bản thân chị càng thấy phải trân trọng hơn những gì mà thế hệ trước hy sinh xương máu của mới có được. Đặc biệt, khi nghe những câu chuyện của các bà, các bác những người thuộc thế hệ trẻ như chị mới hình dung được chiến tranh khốc liệt đến thế nào.

“Được sống trong thời bình, được thừa hưởng những gì thế hệ đi trước hy sinh mới có được tôi thấy thật tự hào. Trong thâm tâm tôi luôn coi các bà, các bác ở đây là người thân của mình, từ đó luôn nỗ lực để giành những gì tốt nhất cho mọi người” - chị Liên chia sẻ.

Tuổi trẻ Thanh Trì tri ân người lính thanh niên xung phong
Hà Nội triển khai cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Cựu thanh niên xung phong hòa giải “mát tay”
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động