Nữ quái lừa hơn 300 tỷ đồng từ kêu gọi “rót vốn”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Lan tại tòa |
Trước tòa, anh T.T.K trình bày, các bị hại mong muốn CQĐT tìm lại nguồn gốc dòng tiền. "300 tỷ chứ không phải 300 triệu đồng. Bị cáo Lan khai rõ ràng đưa tiền cho ai, làm việc gì, không phải để chi tiêu. Những người liên quan cầm tiền phải hoàn trả lại", anh K nói.
Vụ án này từng được đưa ra xét xử nhưng có 2 lần tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Các cơ quan tố tụng làm rõ, khoảng tháng 9-2016, Lan kêu gọi các anh T.T.K, B.D.T và B.T.T, đều ở Hà Nội, góp vốn mua các loại vật tư như: bi nghiền, sắt vụn, các loại động cơ… của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Liên tục từ tháng 9 đến 11-2016, những người này đã chuyển khoản nhiều lần, mỗi lần hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho Lan. Chiều 17-10-2016, Lan gọi điện thoại cho anh K nói đang bị xã hội đen đe dọa. Lan nói vay họ 800 triệu đồng nhưng không có tiền trả. Lan liên tục thúc giục nên anh K đã đưa cho Lan 280 triệu đồng.
Đến tháng 11-2016, các bị hại chưa nhận được tiền lãi từ vốn góp nên đã hỏi Lan. Lan nại ra việc khi tháo dỡ dây chuyền nhà máy thì xảy ra tai nạn lao động làm chết 2 kỹ sư khiến công việc phải dừng lại, nhà máy bị thanh tra nên chậm thanh toán. Đến đầu tháng 1-2017, Lan nói cần mua xe ô tô Lexus để biếu quan chức nên nhờ anh K làm thủ tục đăng ký tên Cty của gia đình anh K. Anh K đồng ý làm thủ tục và tiền mua xe hết 3,6 tỷ đồng. CQĐT xác định, từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2017, Lan đã chiếm đoạt số tiền 13,6 tỷ đồng của 3 bị hại. Riêng anh K bị chiếm đoạt hơn 8,1 tỷ đồng.
Cùng với thủ đoạn trên, Lan còn tung các thông tin gian dối để lừa tiền nhiều người khác. Cơ quan chức năng xác định từ năm 2014 – 2017, Lan đã chiếm đoạt gần 323 tỷ đồng của 31 bị hại ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội. Trong đó, có bị hại bị chiếm đoạt tới hơn 132,6 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo khai có quen biết với lãnh đạo Vicem và được một số người gợi ý việc kiếm tiền. Sau khi nhận tiền của bị hại, Lan đã chuyển cho các lãnh đạo này. Tuy nhiên, bị cáo không đưa ra được chứng cứ. Những người liên quan cũng phủ nhận việc này.
HĐXX của TAND TP Hà Nội nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, số tiền bị cáo chiếm đoạt là rất lớn hơn 322 tỷ đồng. Lời khai của bị cáo về việc chuyển tiền cho một số người, tòa thấy không có tài liệu chứng minh việc đưa và nhận tiền, chỉ có lời khai một phía của Lan nên không đề cập xử lý.
Bởi vậy, HĐXX đã tuyên bị cáo án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường số tiền gần 323 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Trước đó, ngày 12-1, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Thị Lan lừa đảo, chiếm đoạt gần 292 tỷ đồng. Tại tòa, chị M T Ng, người mất hơn 101 tỷ đồng, bất ngờ xuất trình thêm chứng từ mới thể hiện việc đưa số tiền nhiều hơn cáo trạng quy buộc bị cáo. Ngoài ra, bà Ng cũng giao nộp cho tòa án chiếc USB có nội dung ghi âm thể hiện việc điều tra chưa khách quan. HĐXX đã cầu làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án này.
Quá trình điều tra, Lan khai đã dùng tiền của 31 bị hại đưa cho ông Bùi Hồng M, SN 1971, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, khoảng 129 tỷ đồng; đưa cho ông Nguyễn Sỹ A, quê Nghệ An, hơn 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai người không thừa nhận lời khai của Lan. Tại phiên tòa từng bị hoãn trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Lan đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa 4 người liên quan gồm: Ông Bùi Công Tr, SN 1976, quê Thanh Hóa; ông Bùi Hồng M, ông Nguyễn Xuân G, SN 1971, quê Thanh Hóa và bà Mai Á Đ, SN 1988, quê Thanh Hóa. Khi đó, nhiều bị hại, luật sư cũng đồng quan điểm với bị cáo, đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập những người liên quan, người làm chứng có mặt tại tòa để làm rõ các tình tiết của vụ án, số tiền Lan chiếm đoạt sử dụng như thế nào. Bởi lẽ, nhiều bị hại từng gặp, trò chuyện và trao đổi với những người trên do Lan giới thiệu với một cái tên khác, chức danh khác khiến mọi người tin tưởng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại