Nội tạng động vật: Món “khoái khẩu” dễ trở thành… món “khốn khổ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Búi… giun trong cỗ “lòng se điếu”
Bình thường chị Lan vốn không thích những món liên quan đến nội tạng động vật, từ gà, lợn cho đến ngan, vịt. Thế nhưng chồng chị lại coi đây là món khoái khẩu nên tuần nào cũng xách về của người quen dăm ba lạng lòng hoặc tràng lợn khiến chị ăn riết cũng thấy ngon.
“Hôm ấy chồng tôi mang về nửa cân “lòng se điếu” và bảo hiếm lắm hôm nay mới mua được loại lòng này. Tôi rửa và cho lên luộc xong rồi lấy kéo cắt ra từng miếng. Đang cắt những miếng lòng trắng nõn, dày và săn, tôi thấy bên trong ruột có màu trắng đục, đặc đặc. Tôi lấy đầu kéo móc ra thì không thể tin nổi vào mắt mình vì đó là cả một ổ, búi giun. Vứt cả mớ lòng đi mà tôi vẫn không hết rợn người, rùng mình” - chị Lan kể lại.
Thực tế thì các loại nội tạng động vật luôn ẩn chứa các nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng sang người.
Đặc biệt, các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người. Ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò “bệnh bò điên”; gan động vật chăn nuôi không vệ sinh thì có nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin cao-chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn thì trong tiết, nội tạng sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng... chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
Cùng đó, một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli & các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... cho người khi ăn phải lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến.
Nội tạng động vật có nguy cơ ngộ độc khi chế biến không đúng quy trình. Ảnh: Vân Hà
Phát bệnh vì quá nhiều chất bổ
Nói như vậy không phải nội tạng là đồ… bỏ đi mà khi động vật được nuôi dưỡng, giết mổ, vận chuyển đúng quy trình thì những thứ nội tạng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao. Mặc dù có giá rẻ nhưng các bộ phận như gan, thận, tim, dạ dày... có hàm lượng calo tương tự như thịt nạc (từ 100 đến 150 calo mỗi 100 gram). Chúng có cùng hàm lượng protein (khoảng 16%-22% trọng lượng); hàm lượng chất béo chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao; muối vô cơ hay vitamin đều rất phong phú. Các vitamin tan trong chất béo chỉ có ở trong gan, thận. Một điểm chung ở gan, thận, tim, não là có nhiều cholesterol và photphatit; gan có nhiều vitamin A và D, sắt; tiết có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt và các loại Vitamin….
Tuy nhiên, những chất bổ dưỡng này lại gây hại cho cơ thể nếu sử dụng với số lượng quá nhiều. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, nhìn chung nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. Nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp cao, gút...
Các thành phần dinh dưỡng của bộ phận nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người ăn khi nó tuyệt đối an toàn. Ở nước ta, khi các điều kiện đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, bảo quản lưu thông... còn chưa đầy đủ, hơn nữa các nội tạng trên thị trường hầu hết không có nguồn gốc/địa chỉ tin cậy đồng thời kiến thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân còn nhiều hạn chế thì người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêu thụ chúng-các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn như lao, than, lợn đóng dấu...; các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và nặng hơn có thể tử vong. |
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại