Thứ năm 08/08/2024 19:07

Những sai lầm chết người khi sơ cứu vết rắn cắn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hai trường hợp bị rắn độc cắn chỉ trong ít ngày.
Những sai lầm chết người khi sơ cứu vết rắn cắn
Con rắn hổ mang cắn bệnh nhân Th. Ảnh: BVCC

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân D.V.D (47 tuổi, quê Hải Dương), nhập viện ngày 1/8/2024. Bệnh nhân bị rắn cắn khi đang làm việc trên thuyền, dẫn đến tình trạng đau buốt và sưng nề từ bàn tay đến cẳng tay phải. Tại vết cắn, có thể quan sát rõ hai nốt răng nanh rắn cách nhau khoảng 1,2cm. Mặc dù bệnh nhân đã cố gắng tự sơ cứu bằng cách garo phía trên vết cắn, nhưng tình trạng sưng nề vẫn lan rộng đến tận khuỷu tay.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.H.Th (31 tuổi, quê Quảng Ninh), nhập viện ngày 4/8/2024. Bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào đốt thứ ba của ngón 2 bàn tay phải. Tại vết cắn có hai nốt răng rắn cách nhau 0,5cm. Mặc dù đã cố gắng nặn máu tại vết cắn, bệnh nhân vẫn cảm thấy đau nhiều nên quyết định đến bệnh viện. May mắn là những người đi cùng đã đánh chết con rắn và mang theo, giúp các bác sĩ xác định chính xác loại rắn đã tấn công.

Cả hai bệnh nhân đều được tiếp nhận tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được điều trị theo phác đồ rắn độc cắn của Bộ Y tế. Các bác sĩ đã theo dõi sát sao các dấu hiệu nhiễm độc do nọc rắn, bao gồm nhiễm độc thần kinh và rối loạn đông máu. Sau vài ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của cả hai bệnh nhân đã ổn định đáng kể.

BSCKI Nguyễn Hữu Thành - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, nhấn mạnh: "Từ tháng 4 đến tháng 11 là mùa sinh sôi phát triển của rắn độc, do đó số ca bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn thường tăng cao. Điều quan trọng là người dân cần tránh áp dụng các biện pháp sơ cứu dân gian không hiệu quả và có thể gây hại như trích rạch, châm chọc tại vùng vết cắn, dùng miệng hút máu hay đắp các bài thuốc dân gian. Thay vào đó, cần thực hiện sơ cứu đúng cách để làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn như: băng ép nhẹ nhàng trên vị trí bị cắn 5cm, bất động tay chân bị rắn cắn bằng nẹp, băng cầm máu nếu chảy máu nhiều, ngay sau đó, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời".

Để giúp cộng đồng phòng tránh và xử trí khi bị rắn cắn, các chuyên gia y tế đưa ra những hướng dẫn cụ thể sau:

Nhận biết rắn độc

Rắn độc thường để lại 2 dấu răng rõ ràng trên vết cắn. Còn rắn thường thì không có tuyến nọc và chỉ có răng hàm, nên sau khi cắn sẽ thấy vết cắn có hình vòng cung và các dấu răng đều nhau.

Sau khi bị cắn, nếu xuất hiện các triệu chứng như trào đờm, mờ mắt, chảy máu tại chỗ, cứng miệng, sưng nề, nôn ra máu, có thể khẳng định 90% là đã bị nhiễm nọc độc của rắn.

Xử trí ban đầu khi bị rắn cắn

_ Bất động chân tay bị cắn bằng nẹp để hạn chế sự lan truyền của nọc độc.

_ Cởi bỏ đồ trang sức ở vùng bị cắn để tránh chèn ép khi vùng đó sưng nề.

_ Thực hiện băng ép bất động nhẹ nhàng (trừ trường hợp rắn lục cắn) bằng băng chun giãn hoặc vật liệu tương tự.

_ Rửa sạch vết cắn dưới vòi nước sạch và sát trùng.

_ Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Những việc không nên làm

_ Garô: có thể gây thiếu máu nghiêm trọng cho chi.

_ Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: có thể gây tổn thương thêm và nhiễm trùng.

_ Hút nọc độc: không có hiệu quả và có thể gây hại.

_ Chườm đá: đã được chứng minh là có thể gây hại.

_ Sử dụng các loại thuốc dân gian hoặc cổ truyền: không hiệu quả và có thể gây nguy hiểm.

_ Cố gắng bắt hoặc giết rắn: có thể dẫn đến nguy hiểm thêm.

_ Để phòng tránh bị rắn tấn công, người dân nên chủ động áp dụng các biện pháp sau:

_ Khi đi vào khu vực có nhiều cây cối, nên mặc quần áo bảo hộ, đi ủng hoặc giày cao cổ.

_ Sử dụng đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm trong khu vực có nguy cơ.

_ Tránh nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.

_ Thường xuyên phát quang khu vực xung quanh nhà, loại bỏ các nơi rắn thích cư trú.

_ Đặc biệt thận trọng khi hoạt động ở vùng nước đục, cửa sông hoặc một số vùng bờ biển.

_ Tuyệt đối không cố gắng bắt hoặc tấn công rắn khi phát hiện.

Ong vò vẽ tấn công, 4 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động