Những điểm yếu “chết người” của người mua hàng qua internet...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phần khác vì sự quản lý và giám sát hoạt động bán hàng trên các trang mạng còn “lỏng lẻo”.
Lừa đảo tăng theo cấp số nhân
Xuất hiện ngày càng nhiều các trang web mua bán hàng trực tuyến, từ những cửa hàng nhỏ lẻ đến những sàn giao dịch thương mại điện tử (SGDTMĐT). Đâu đâu cũng được giới thiệu, quảng cáo khuyến mại, ưu đãi đặc biệt, mức giảm nhiều lúc còn được đề từ 60 - 70%. Việc này đã “chọc” vào đúng “điểm yếu” của một bộ phận NTD, đó là ham mua hàng khuyến mại giảm giá.
Thực tế, những sản phẩm này dù được khuyến mại, giảm giá đến 60 - 70% nhưng giá bán vẫn còn cao hơn so với thị trường. Hoặc một số sản phẩm được giới thiệu là mới 95% nhưng khi khách hàng đặt mua thì sản phẩm bị lỗi, thậm chí bị hỏng, không thể dùng được nữa. Đáng nói là khách hàng khi gặp phải những trường hợp như vậy đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không thể đòi lại tiền của nơi bán. Nhiều Cty còn “trắng trợn” đến mức chặn luôn cuộc gọi đến của khách hàng hoặc bỏ số điện thoại.
Ví dụ như trường hợp của bà Thanh, ở quận Gò Vấp, TP HCM, đã bỏ ra 28,5 triệu đồng đặt mua 2 chiếc điện thoại iPhone 5 và một chiếc máy ảnh. Trang web do nhóm đối tượng Phùng Đình Tân, Nguyễn Tấn Chương và Nguyễn Thị Diệu Minh lập nên có rao bán các loại thiết bị điện tử như iPhone, iPad,... được cho là chính hãng với giá rất rẻ. Theo quảng cáo thì khách hàng được lợi đến 40% khi mua hàng thông qua trang mạng này. Sau khi thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn, bà Thanh chỉ nhận được 2 máy tính bảng đồ chơi cũ của Trung Quốc. Vụ việc ngay lập tức được trình báo đến cơ quan chức năng. Ngày 23-4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) CA TP HCM đã bắt các đối tượng trên. Qua xác minh, CQĐT xác định nhóm đối tượng trên đã chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng từ hàng trăm khách hàng thông qua việc bán hàng online.
Đây chỉ là ví dụ điển hình của những khách hàng “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Hiện nay, trên thị trường có hàng nghìn trang web mua bán qua mạng nhưng lại không hề được Sở Công Thương các tỉnh, TP cấp phép bán hàng online. Điều rất dễ khiến cho NTD bị rơi vào “ma trận” mua hàng online mà các đối tượng đã bày ra.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển nhưng chúng ta lại “hổng” quản lý. Ảnh: Nguyễn Tuấn
“Hổng” quản lý?
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), ước tính doanh số trong hoạt động thương mại điện tử tại nước ta năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD. Dự kiến, năm 2014 con số này sẽ lên đến 4 tỷ USD. Có thể thấy, nguồn doanh thu từ thương mại điện tử mang lại không hề nhỏ, hàng loạt sản phẩm được bán đến tay NTD thông qua hình thức bán hàng này.
Vậy nhưng, hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD lại chưa thực sự chặt chẽ và không theo kịp với sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Hơn nữa, các hiệp hội liên quan NTD cũng chưa phát huy hết khả năng cũng như vai trò của mình đối với NTD. Điều này khiến cho NTD luôn gặp nhiều rủi ro và “rước” thiệt hại về bản thân khi lựa chọn mua hàng thông qua các trang mạng.
Trao đổi với PV, luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, để tự bảo vệ quyền lợi của bản thân mình thì NTD nên xem xét và nghiên cứu kỹ các trang web của tổ chức, cá nhân kinh doanh, xem có hợp pháp hay không? Mặt khác, NTD cũng chỉ nên chọn mua tại vài trang web, SGDTMĐT lớn, có uy tín.
Luật sư Tú cũng cho rằng, qua các trang mạng lừa đảo thì NTD dễ bị thiệt về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nhiều Cty chủ yếu nhập hàng giả, hàng nhái, đa phần xuất xứ từ Trung Quốc, về để bán. Trong khi đó, họ lại giới thiệu, quảng cáo “hoành tráng” khiến NTD “sập bẫy”.
Hiện tại, tình trạng lừa đảo khi mua bán qua mạng ngày càng gia tăng và có thể sẽ là trở ngại đối với việc phát triển của ngành thương mại điện tử ở nước ta. Quy định thì nhiều nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn đang thiếu sự “vận hành”, chưa áp dụng linh hoạt vào thực tiễn. Trong khi đó, NTD cũng chưa quyết liệt trong việc “bài trừ” gian lận trong bán hàng online.
Nguyễn Tuấn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại