Ngôi làng vẫn giữ mãi nghề xưa…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong bối cảnh không ít làng nghề ở Thủ đô đứng trước việc mai một dần đi những người làm nghề thì ở làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) vẫn có đến hơn 900 hộ dân sống được với nghề rèn. Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ cho biết thêm, làng nghề có đến 1.057 hội viên. Trước đây, nghề rèn cơ khí chỉ là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp. Từ sau năm 2005, ảnh hưởng quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp, nghề rèn đã trở thành hướng đi mới cho những lao động nông nhàn, không có bằng cấp. Và cứ thế ngày ngày, những âm thanh quen thuộc vang lên ở ngôi làng này, nó đã trở thành nhịp sống vốn không thể khác đối với người dân nơi đây.
Hiện trên địa bàn TP cũng còn một số hộ làm nghề rèn nhưng không tập trung và hiệu quả như những thợ rèn Đa Sỹ. Nghề rèn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người Đa Sỹ với bình quân khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng/hộ. Hộ nào có búa máy, thu nhập còn cao hơn.
Hàng sản xuất ra một phần phục vụ nhu cầu tại địa phương, còn phần lớn chuyển đi các tỉnh phía Nam, xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Chị Dung, con gái và cũng là con dâu làng Đa Sỹ, vợ ông chủ xưởng rèn Nguyễn Sơn chia sẻ: Xưởng nhà chị thường xuyên có 7 lao động, thu nhập ổn định, mỗi năm còn tổ chức cho anh em trong xưởng đi nghỉ mát một lần.
Nghề rèn có tiếng vất vả nhưng “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, cứ đỏ lửa là có tiền. Hiện, nhiều công đoạn nặng nhọc đã có máy móc hỗ trợ nên người lao động đã đỡ nhiều rồi... Nhưng mặt trái của việc làm và thu nhập ổn định từ nghề rèn không phải không có.
Ông Hoàng Quốc Chính cho biết, vấn đề môi trường làng nghề và vệ sinh an toàn lao động là thực trạng bức xúc ở Đa Sỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Không gian chật hẹp khiến các hộ phải tận dụng mọi khoảnh đất ở gần nhà, gần đường để sản xuất.
Ở Đa Sỹ, khó có nhà nào có khuôn viên gọn gàng, ngăn nắp vì xưởng sản xuất đặt ngay trong khu vực sinh hoạt. Các bức tường quanh nhà đều bị nứt toác vì tiếng dập của búa máy. Để giảm bớt mức độ ồn, Hiệp hội Làng nghề đã vận động các hộ vận hành máy theo giờ quy định và làm hệ thống chống rung, nhưng cũng khó thực hiện vì ai cũng muốn tranh thủ để tăng thu nhập.
Ngày 31-12-2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 234/KH-UBND về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường làng nghề, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới.
Qua đó, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm đời sống nhân dân trong khu vực làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Đấy cũng là hướng đi đúng đắn cho nghề rèn. Vì vậy, có thể một mai kia, nghề rèn ở phố cổ Hà Nội chỉ còn là hoài niệm thì vẫn có thể tự hào nếu ta có làng nghề rèn Đa Sỹ trong vóc dáng khỏe khoắn, hiện đại.
Và những ngôi làng nghề như Đa Sỹ khi nhận được sự quan tâm thiết thực thì sẽ vẫn tiếp tục giữ mãi nét nghề vốn đã gắn bó với những người dân nơi đây từ lâu đời, và những làng nghề như thế sẽ mang tới thêm một nét văn hóa đặc biệt cho Thủ đô với truyền thống lịch sử lâu bền.
Đức Đông / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại