Ngô Thanh Vân âm thầm góp mặt tại các dự án phim Hollywood: Những tính toán quan trọng hơn chuyện… nổi tiếng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó lẽ, với Ngô Thanh Vân, tính toán bước đi phù hợp từ những lần cộng tác quan trọng hơn việc có trở nên nổi tiếng quốc tế hay không.
Ngô Thanh Vân trình làng khán giả Việt bằng “Dòng máu anh hùng” cách đây hơn chục năm. Và từ đó, cô chủ yếu gây dựng sự nghiệp qua thể loại hành động, vì thế, khán giả gọi cô bằng cái tên “đả nữ”. Với nhiều lợi thế về ngoại hình, khuôn mặt châu Á, khả năng ngoại ngữ và chịu khó với những phân cảnh hành động khó, Ngô Thanh Vân đã không ít lần tham gia vào các dự án phim quốc tế. “Rouge” năm 2004 - Bộ phim truyền hình dài 14 tập do MTV thực hiện đã được phát sóng tại 9 quốc gia châu Á là dự án quốc tế đầu tiên mà Ngô Thanh Vân tham gia.
Để được vào vai Thúy trong “Rouge”, Ngô Thanh Vân đã phải vượt qua 400 thí sinh tiềm năng đến từ khắp châu Á. Bạn diễn của cô trong phim gồm Denise Laurel và Mariel Rodriguez từ Philippines, Desiree Ann Siahaan từ Singapore, cùng Pamela Fields từ Mỹ. Phim đầu tay của “đả nữ” màn ảnh Việt có thể ví như phiên bản châu Á của “Charlie’s Angels” pha trộn yếu tố âm nhạc - thế mạnh của kênh truyền hình MTV.
Năm 2016, “Crouching Tiger, Hidden Dragon” do Netflix sản xuất quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của điện ảnh Hoa ngữ như Chân Tử Đan hay Dương Tử Quỳnh, được quảng bá là hậu truyện “Ngọa hổ tàng long” cũng có sự tham gia của Ngô Thanh Vân, dù cô chỉ đóng một vai nhỏ. Cô hóa thân thành Mantis - một trong những nhân vật phản diện của bộ phim. Người đẹp chia sẻ để hóa thân thành nữ sát thủ, cô đã phải luyện thương, luyện võ và luyện tiếng Anh.
Ngô Thanh Vân xuất hiện trong dự án phim được chú ý trên Netflix trong phim “The Old Guard”. (Ảnh: Netflix) |
Đáng chú ý nhất là “Star Wars: Episode VIII - The Last Jedi” (2017). Màn xuất hiện ngắn ngủi của Ngô Thanh Vân ở đầu “The Last Jedi” đã để lại ấn tượng sâu sắc. Trong phim, “đả nữ” Việt vào vai Paige Tico, chị gái nhân vật Rose Tico của nữ diễn viên gốc Việt Marie Trang Tran. Với vai diễn này, Ngô Thanh Vân nhận được nhiều sự khen ngợi từ bạn bè quốc tế.
Cũng trong năm 2017, Ngô Thanh Vân tiếp tục góp mặt trong “Bright” - Bộ phim hành động pha trộn yếu tố kỳ ảo và lại là Netflix rót vốn sản xuất. Lần này, cô tiếp tục vào vai một sát thủ phe phản diện với nhiệm vụ ngăn chặn viên cảnh sát do Will Smith thủ vai và cộng sự tìm kiếm chiếc đũa phép quyền năng trước khi nó rơi vào tay bè lũ ác quỷ.
Mới đây nhất “The Old Guard” (2020)- Bộ phim mà Netflix sản xuất kể câu chuyện của một đội vệ binh bất tử do Andy (Charlize Theron thủ vai) làm chỉ huy cũng giới thiệu hình ảnh của Ngô Thanh Vân. Trong phim, cô vào vai Quỳnh, người đồng đội đầu tiên của Andy. Nhiều thế kỷ trước, cô đã bị một nhóm thầy tu bắt giữ. Nhóm người nhốt Quỳnh trong một chiếc quan tài sắt và ném xuống biển.
Khi phim công bố trailer, nhiều người nghĩ rằng có thể Ngô Thanh Vân sẽ lại được xuất hiện vài giây ít ỏi như những sự cộng tác trước. Nhưng trái ngược với những vai phụ chớp nhoáng, “đả nữ” rất có thể sẽ gắn bó với những phần tiếp theo của “The Old Guard”, khi nhân vật Quỳnh của cô đã xuất hiện trở lại vào cuối phim.
Cái lạ của Ngô Thanh Vân là ở chỗ cô rất ít khi “khoe” về những dự án hợp tác mà mình tham dự. Khán giả thậm chí còn cảm thấy bất ngờ khi cô đột ngột xuất hiện diễn xuất cùng vài tên tuổi lớn. Hợp tác trong phim Hollywood vốn chẳng phải là cơ hội mà diễn viên trên thế giới nào cũng có được. Vì vậy thường thì các diễn viên Châu Á thông qua các Cty quản lý phải vất vả tìm kiếm cơ hội
Mặc dù đa phần người châu Á hiện lên trong phim quốc tế vẫn còn có những tranh cãi về việc bị xây dựng tính cách thông qua cái nhìn định kiến của người phương Tây thì nỗ lực trong diễn xuất, nỗ lực để ghi dấu ấn của họ cũng không thể nào phủ nhận, Ngô Thanh Vân cũng vậy.
Nhưng sự âm thầm hợp tác của Ngô Thanh Vân lại cho thấy đó là những tính toán hợp lý của một người đứng từ xuất phát điểm ở nền điện ảnh đang cần cơ hội vươn ra quốc tế. Ngô Thanh Vân hiểu hơn ai hết, sự nổi tiếng cá nhân dựa vào vai phụ chỉ xuất hiện ít ỏi là khó khăn. Vì thế, có lẽ, phương án tự mình tìm cơ hội hợp tác của cô là để tìm thời cơ cho phim Việt có thể có được thị trường phát hành rộng hơn.
Ví dụ phim do đích thân Ngô Thanh Vân sản xuất, hiện tượng phòng vé Việt năm 2019 mang tên “Hai Phượng” (doanh thu 200 tỷ) đã được phát hành trên Netflix và có sự chú ý nhất định. Chính bản thân Ngô Thanh Vân cũng tìm đường cho “Hai Phượng” công chiếu một số rạp ở Mỹ, và từ đó “Hai Phượng” được đề xuất tham dự giải Oscar.
Khi Netflix mở rộng thị trường Châu Á, các phim Việt có Ngô Thanh Vân đóng như: “Dòng máu anh hùng”, “Bẫy rồng” đều được mua bản quyền chiếu trên kênh này. Bước đi nhằm quen mặt, quen tên của Ngô Thanh Vân với thị trường thế giới tuy thận trọng nhưng đúng là đã tạo đà quảng bá phim do cô góp mặt, hoặc góp tay sản xuất nhiều hơn – đó cũng chính là cách để phim Việt tiếp cận với nhóm khán giả quốc tế.
Vì thế, mừng vì Ngô Thanh Vân có thể xuất hiện trong các dự án phim ngoại là đương nhiên, nhưng mừng vì đó là cách cô tìm thị trường khán giả mới cho phim Việt lại sâu sắc hơn nhiều lần.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại