Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả cuối năm nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVăn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục rà soát công tác phối hợp, nếu phát hiện những tồn tại thì sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành và Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. |
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm. Nhất là các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: Găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống Covid-19; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Địa bàn trọng điểm là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thông tin, qua công tác đấu tranh, cơ quan Hải quan đã nhận diện ra các phương thức thủ đoạn vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, trước tình hình đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 1239/TCHQ-ĐTCBL ngày 17-3-2021 để chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành về công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm triển khai thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện điều tra nghiên cứu nắm tình hình, rà soát dữ liệu trên các chương trình nghiệp vụ để sàng lọc đối tượng trọng điểm, lập kế hoạch đấu tranh, bắt giữ.
Qua công tác thu thập thông tin, điều tra nghiên cứu nắm tình hình, lực lượng Hải quan còn phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế quan.
Còn đối với trong nước, có một số doanh nghiệp lợi dụng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nhập khẩu, mua nguyên liệu, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sau đó sản xuất hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong địa bàn hoạt động hải quan rồi bán ra thị trường nội địa nhằm lừa dối người tiêu dùng là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan cũng đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch số 1195/KH-BTC ngày 4-10-2019 về việc kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, Cục Điều tra chống buôn lậu tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18-10-2019 về kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp để triển khai trong toàn ngành.
“Quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp”, ông Nguyễn Hùng Anh cho hay.
Theo dự đoán, vào dịp cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên, vì vậy tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn. Thực tế này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn làm thất thu thuế cho Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, cơ quan hải quan sẽ tăng cường kiểm soát việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, hoạt động trên môi trường mạng để kinh doanh, có hành vi, dấu hiệu vi phạm như kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức...
Ngày 2-12-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cũng đã ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại