Thứ sáu 27/09/2024 10:37

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong thời gian qua là điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý thuế.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: VGP
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm. Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD. Doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (2022), 97.000 tỷ đồng (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, TP. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Sự tăng trưởng nhanh của thị trường TMĐT tại Việt Nam trong thời gian qua là điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý thuế.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hiệu quả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã ban hành "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc…

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thương mai điện tử duy trì từ 20-25% một năm. Ảnh minh họa: Shopee
Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thương mai điện tử duy trì từ 20-25% một năm. Ảnh minh họa: Shopee

Xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian tới lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển nhanh và đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc quản lý nó cũng là một vấn đề chứa đựng nhiều khó khăn, phức tạp. Về phía các cơ quan chức năng, đã có sự thay đổi cũng như đã có sự tích hợp, kết hợp với nhau. Tuy nhiên, việc này phải làm dần dần để hoàn thiện, bởi bản chất vấn đề là làm sao chúng ta phải xây dựng được cơ sở dữ liệu và sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành một cách tốt nhất.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, quản lý TMĐT là quản lý số, chúng ta phải số hóa ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT, lúc đó mới đem lại hiệu quả. Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực TMĐT sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.

Để vừa tạo thuận lợi cho các hoạt động thanh toán điện tử nói riêng, TMĐT nói chung tại Việt Nam phát triển, vừa bảo đảm thu đúng, thu đủ đối với các nguồn thu từ các giao dịch điện tử, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY, Trần Mạnh Nam kiến nghị: chúng ta có thể chia thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, chúng ta có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một doanh nghiệp. Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan... Chúng ta sẽ dựa vào đó để có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin.

Việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ, toàn diện và đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc phát triển TMĐT. Bên cạnh đó việc xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho vấn đề này là rất cần thiết. Vì thế cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam” - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Lại Việt Anh cho biết.

"Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng" - Giám đốc Khối doanh nghiệp VNPAY, Trần Mạnh Nam nói.
Hà Nội: đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động