Mỹ phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin mập mờ
Chăm sóc sắc đẹp, níu giữ tuổi thanh xuân là tâm lý của phần lớn chị em phụ nữ hiện nay, đặc biệt là những phụ nữ ngoài 30 tuổi. Do đó, các sản phẩm mỹ phẩm với những lời “có cánh” như làm tăng độ bóng sáng của làn da, làm trắng da; tăng tính co giãn đàn hồi cho làn da hoặc xóa mờ vết thâm; tàn nhang trên khuôn mặt; làm mờ các vết sẹo trên cơ thể;... luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em phụ nữ.
Không khó để tìm mua được những sản phẩm này, nhất là trong thời kỳ công nghệ hiện nay. Chỉ cần một cú click chuột trên Google là NTD có thể thấy hàng nghìn địa chỉ bán hàng, từ online đến truyền thống. Thông tin về mặt hàng, những lời quảng cáo về công dụng tạo ra sự tò mò và băn khoăn của NTD khi tìm và lựa chọn sản phẩm. Nổi lên trong các sản phẩm là danh mục chăm sóc sắc đẹp bằng mỹ phẩm có nguồn gốc hay nói cách khác là được chiết xuất từ tế bào gốc, tế bào của con người. Những dòng chữ “chiết xuất từ tế bào gốc” luôn được người kinh doanh in đậm như một chiêu để kích thích nhu cầu của NTD.
Theo như lời quảng cáo thì những sản phẩm này có công dụng vượt trội so với các sản phẩm thông thường. Do đó, giá bán của nó cũng không hề rẻ, dao động từ 500.000 – 5.000.000 đồng/ lọ, tùy theo thể tích của từng lọ.
Phần lớn nguồn hàng tế bào gốc đều có nguồn gốc từ nhiều hãng khác nhau và từ các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc. Do đó, mức giá cũng có sự chênh lệch không nhỏ và khó có thể xác định được giá trị thực của sản phẩm. Ví dụ một hộp sản phẩm có tên Max Cream (tế bào gốc Mỹ) có giá bán ban đầu là 3.339.000 đồng/hộp nhưng hiện đang bán với giá có 3.000.000 đồng/hộp.
Đối với những sản phẩm có công dụng kết hợp 2 trong 1 hoặc 3 trong 1 thì mức giá lại cao hơn nhiều, dao động từ 12 – 18 triệu đồng/hộp. Sản phẩm được giới thiệu là vừa chống lão hóa, tái tạo hóa cơ thể, vừa ngăn ngừa được các loại bệnh liên quan đến sắc tố da,....
Thực tế, những sản phẩm được giới thiệu là chiết xuất từ tế bào gốc có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường. Nhiều NTD nghe thông tin về quảng cáo nên thường đồn nhau sản phẩm mỹ phẩm này trị nám, làm sáng da, ... nên khiến cho sức lan tỏa của sản phẩm trở nên rộng và mạnh mẽ hơn.
Ngay tại các cơ sở thẩm mỹ, liệu trình chăm sóc da bằng sản phẩm được chiết suất từ tế bào gốc cũng được giới thiệu nhiều, mặc dù giá của nó cao hơn nhiều so với bình thường. Thông thường, mỗi gói dịch vụ này đều kéo dài từ 7 – 10 buổi, khách hàng phải trả chi phí từ 15 triệu đồng trở lên. Trong khi, liệu trình thực tế vẫn như khi sử dụng các sản phẩm thông thường, vẫn có sự hỗ trợ của các kỹ thuật như như xông hơi khô, xông hơi lạnh, hút bã nhờn, ....
Hiện tại, sản phẩm này được sử dụng khá nhiều tại một số cơ sở kinh doanh spa, thẩm mỹ viện,... Điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho khách hàng, nhất là khi những sản phẩm này mập mờ về thành phần và nguồn gốc.
Thông tin mập mờ về sản phẩm dễ khiến người tiêu dùng “tiền mất tật mang”. Ảnh: N.Tuấn
Cấm nhưng chưa xử lý
Kể từ ngày 12-3- 2015, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, đã ban hành văn bản cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Theo đó, những sản phẩm được giới thiệu có nguồn gốc từ tế bào gốc sẽ không được lưu hành và sử dụng trên thị trường.
Thạc sỹ Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, tế bào gốc người thường được thu nhận từ máu cuống rốn, màng lót cuống rốn, nhau thai,.... Nhưng tế bào và các sản phẩm được thu nhận từ chúng gọi là sinh phẩm. Những sinh phẩm đó có thể được sử dụng trong công nghệ thẩm mỹ.
Thực tế, những tế bào gốc đó không phải là nhiều nên việc xuất hiện một cách ồ ạt các sản phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc là điều vô lý. Khách hàng không biết và phân biệt được sản phẩm được chiết xuất từ đâu, thực vật, động vật hay nhau thai. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh cứ “đẩy” thông tin lên một cách rầm rộ nhằm đánh vào thị hiếu của NTD để từ đó “đẩy” giá bán lên cao kiếm lời.
Theo ông Hoàng Giang, giảng viên trường ĐH Thương mại, phần lớn các sản phẩm bán trên thị trường đều không phải chiết xuất từ tế bào gốc con người. Bởi những sản phẩm mỹ phẩm như vậy chắc chắn sẽ bị kiểm duyệt rất gắt gao và có giá cao hơn nhiều so với sản phẩm hiện đang được bán ở Việt Nam. Những sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường hiện nay thường không rõ ràng về nguồn gốc cũng như chất lượng.
Thực tế, quy định dù đã có hiệu lực nhưng sản phẩm vẫn tồn tại và được bán tràn lan trên thị trường. Điều này cho thấy công tác quản lý vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa thực sự sâu sát với thực tế. Tình trạng buôn bán những sản phẩm mỹ phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc vẫn không giảm, thậm chí còn hoạt động tinh vi hơn.
Nên chăng, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh việc phối hợp để cùng phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến mỹ phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc. Điều này vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa tránh trường hợp xử lý thiếu đồng đều, có nơi vi phạm bị xử lý nhưng có nơi lại không bị xử lý.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thụy Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, những quy định về quản lý kinh doanh, lưu hành mỹ phẩm hiện nay tương đối là đầy đủ và cụ thể. Như Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có nêu vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm, cụ thể tại Điều 51 có nêu: Kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với các chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật; sẽ chịu mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm dưới 20.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20.000.000 đồng trở lên. “Những quy định này đã có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt. Trong khi, sản phẩm chiết xuất từ tế bào gốc đang được bán tràn lan ngoài thị trường”, luật sư Cường nói thêm. |
Nguyễn Tuấn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại