Chủ nhật 30/06/2024 19:02

“Mượn” mã số thuế để trốn thuế có thể bị xử lý hình sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hành vi “mượn trộm” mã số thuế của người khác là hành vi vi phạm pháp luật về thuế nhằm giảm số tiền thuế phải nộp của DN, gây ảnh hưởng đến người nộp thuế là cá nhân khi bị DN tự ý sử dụng thông tin cá nhân.
“Mượn” mã số thuế để trốn thuế có thể bị xử lý hình sự

Người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế năm 2022 tại Cục Thuế thành phố Hà Nội Ảnh: Hương Xuân

Bỗng dưng bị nợ… thuế thu nhập

Khi đi quyết toán thuế, nhiều người phát hiện mình bị… nợ thuế từ thu nhập tại một công ty mà họ… chưa từng làm. Hoặc khi đi thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế mới phát hiện mình đã được đăng ký mã số thuế từ những năm còn là sinh viên... Chị Giang (Hà Nội) cho biết, chị mới vào làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu. Tháng 2/2024, khi làm thủ tục đăng ký mã số thuế cá nhân thì chị phát hiện mình đã có mã số thuế, được đăng ký bằng CCCD của mình. Điều đáng nói, mã số thuế đó được dùng để đăng ký mã số thuế tại một công ty xây dựng, với một khoản chi trả khống lên đến 200 triệu đồng.

Tương tự, chị Thanh (Hà Nội), một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho biết, mấy tháng trước sàn ra chính sách mới yêu cầu người bán phải có mã số thuế mới cho rút tiền từ sàn. Do vậy, chị Thanh tiến hành đăng ký mã số thuế. Thế nhưng, khi đăng ký mã số thuế, chị Thanh bất ngờ phát hiện một DN du lịch đã lấy thông tin chứng minh Nhân dân của chị để đăng ký mã số thuế và khai khống thuế từ 9 năm trước. Ban đầu, chị tưởng có sự nhầm lẫn vì thời điểm 9 năm trước chị chưa từng đi làm và không biết công ty này. Bởi thời điểm mà DN này đăng ký mã số thuế, chị đang sinh sống ở Hà Giang, trong khi mã số thuế mà DN này mở ở tận thị xã Sơn Tây. Khi kiểm tra, chị Thanh còn sốc hơn khi tổng mức lương mà công ty này khai khống đã trả cho chị lên đến hơn 125 triệu đồng, trải dài từ năm 2018 - 2021.

Nhận định từ luật sư

Theo quy định hiện nay, các DN “mượn” mã số thuế của người dân sẽ bị truy thu thuế thu nhập DN liên quan đến phần khai gian dối, còn các nạn nhân sẽ được hoàn thuế thu nhập cá nhân bị thu sai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để giải quyết câu chuyện này, ngành thuế phải xử phạt thật nặng những DN lấy cắp mã số thuế. Có thể quy vào hành vi giả mạo chứng từ kế toán, gian lận thuế. Về việc này, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế nhận được một số phản ánh của một số cá nhân về việc bỗng dưng bị đánh cắp mã số thuế, khai khống thu nhập bởi một công ty hoàn toàn xa lạ nào đó.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế nhằm giảm số tiền thuế phải nộp của DN, gây ảnh hưởng đến người nộp thuế là cá nhân khi bị DN tự ý sử dụng thông tin cá nhân. Theo Tổng cục Thuế, nếu nhận được phản ánh của người nộp thuế về việc DN, tổ chức trả thu nhập tự ý sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số CCCD) để kê khai, tính chi phí khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế, các cục thuế kịp thời kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm, DN có thể bị phạt tiền 1,5 - 3 lần số thuế trốn, thậm chí còn bị xử lý hình sự. Cơ quan thuế cũng khuyến cáo người nộp thuế khi phát hiện mã số thuế bị lợi dụng, đánh cắp hoặc có nguồn thu nhập bất thường thì thông báo ngay tới cơ quan thuế nơi người nộp thuế đang thực hiện nghĩa vụ thuế để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật. Còn theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo quy định của pháp luật, thông tin cá nhân như mã số thuế là thông tin được pháp luật bảo vệ. Theo khoản 5 điều 7 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân là hành vi trái pháp luật. Theo luật sư, đối với hành vi trên tùy mức độ theo quy định pháp luật có thể chịu một số trách nhiệm pháp luật như hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Về trách nhiệm hành chính, căn cứ Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 30 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP các cá nhân, tổ chức thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân người khác có thể bị xử phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Theo luật sư, việc sử dụng CCCD, mã số thuế cá nhân của người khác... để làm giả chứng từ như hợp đồng lao động, hợp đồng thuê khoán, lập khống bảng chấm công, lập khống bảng thanh toán tiền lương, chứng từ chi lương... hạch toán khống chi phí, nhằm làm giảm lợi nhuận khi tính thuế thu nhập DN. Đây là hành vi vi phạm pháp luật thuế, nhằm mục đích gian lận, giảm số tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước của DN. Đối với hành vi này, theo luật sư có thể xử lý về tội trốn thuế. Theo đó, DN hoặc cá nhân trốn thuế tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm về hành vi trốn thuế. Cá nhân bị xâm phạm thông tin mã số thuế gây ra thiệt hại có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.

Bộ Tài chính lên tiếng về quy định cấm xuất cảnh do nợ thuế
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động