Thứ ba 07/05/2024 02:43
Khi biển quảng cáo làm bộ mặt đô thị kém đẹp:

Kỳ cuối: Quản lý chặt chẽ ngay từ khi cấp phép

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Chỉ thị số 17/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, thời gian qua, hoạt động quảng cáo từng bước phát huy vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Nhu cầu quảng cáo tăng nhanh

Có thể thấy, quảng cáo là một hoạt động dịch vụ quan trọng gắn liền với yếu tố văn hoá, là tiềm năng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường quảng cáo ngày càng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân coi trọng bởi đây là một loại hình đặc thù không thể thiếu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, thậm chí là phương tiện để truyền bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người ra nước ngoài.

Hình thức, phương tiện quảng cáo phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện và dần chiếm ưu thế, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia dịch vụ quảng cáo, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Lợi nhuận từ việc thông tin quảng cáo đã đem đến cho cá nhân, tổ chức làm dịch vụ, bán hàng, thực hiện quảng cáo một mối lợi rất lớn, vì vậy số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo rao vặt tăng rất nhanh, đương nhiên sẽ dẫn đến thực trạng thực hiện quảng cáo rao vặt diễn ra xô bồ, xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo cần phải được chấn chỉnh và khắc phục.

Đường phố Hà Nội sẽ đẹp hơn nếu không xuất hiện những tấm biển quảng cáo quá khổ	Ảnh minh hoạ
Đường phố Hà Nội sẽ đẹp hơn nếu không xuất hiện những tấm biển quảng cáo quá khổ. Ảnh minh hoạ

Đó là hình thức quảng cáo bằng tấm lớn ngoài trời, quảng cáo trên các bảng biển, biển hiệu, pa-nô, băng-rôn tại một số địa phương còn chưa thống nhất, không theo chuẩn quy định; hình thức quảng cáo bằng tờ rơi, tờ gấp, quảng cáo rao vặt bằng dán giấy, in chữ, in sơn, quét mực lên tường công sở, công trình công cộng, trên cột điện, tường nhà ở dân cư... còn xuất hiện tràn lan, phổ biến ở nhiều địa phương, gây phản cảm, mất mỹ quan, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn.

Thời gian vừa qua, việc xử lý biển quảng cáo không phép được tiến hành mạnh tay, đặc biệt ở Hà Nội để đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị.

Cách nào để giải quyết triệt để vi phạm về quảng cáo?

Liên quan đến quy định xử phạt vi phạm về quảng cáo, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, điều luật quy định xử phạt vi phạm quảng cáo ngoài trời đã được ban hành cụ thể nhưng việc xử lý theo đúng luật còn gặp nhiều khó khăn. Biển quảng cáo sai phạm “mọc lên như nấm” khiến cơ quan chức năng phạt mãi cũng chưa hết. Vi phạm quảng cáo ngoài trời hiện nay chủ yếu dưới các lỗi như: không thông báo nội dung quảng cáo, quảng cáo sai nội dung, kích thước không đúng quy định, quảng cáo che khuất mặt tiền nhà ảnh hưởng đến chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Việc xử phạt vi phạm quảng cáo ngoài trời được chỉ rõ tại Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo có thể bị xử phạt từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; Không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo.

Mức phạt cao nhất là 10.000.000 đồng nếu đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội. Vi phạm quảng cáo ngoài trời sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 - 40.000.000 (đồng đối với hành vi xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo). Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tháo dỡ quảng cáo, khôi phục lại tình trạng ban đầu, tháo dỡ công trình…

Luật quy định là vậy nhưng công tác xử phạt vi phạm quảng cáo ngoài trời vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập. Để thực hiện nghiêm Luật quảng cáo, các quy định xử phạt hành chính về quảng cáo phát huy tác dụng, từng bước hạn chế, đẩy lùi nạn quảng cáo rao vặt, chuyên gia hiến kế:

Thứ nhất, tổ chức phát động tuyên truyền toàn dân cùng tham gia, giao trách nhiệm cho từng tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội cơ sở, đặc biệt là trưởng khu dân cu, tổ trưởng dân phố trong việc giám sát, kiểm tra mỗi tuyến đường để quản lý, xiết chặt kỷ cương trong quảng cáo. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tạm khóa các số điện thoại vi phạm và cần có trách nhiệm nhắc nhở, thuyết phục khách hàng để họ có ý thức tự giác thực hiện các quy định, ngành Điện lực nghiêm cấm quảng cáo, rao vặt trên các trụ, cột điện để phối hợp quản lý đồng bộ chặt chẽ.

Thứ hai, xây dựng lực lượng nòng cốt đủ mạnh nhằm phối hợp tổ chức tuần tra, giám sát, phục bắt quả tang lập biên bản xử công khai trước dân, đồng thời vận động các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở ven các trục lộ vừa tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, vừa tự giác tháo gỡ các sản phẩm in ấn quảng cáo không đúng quy định trong phạm vi khuôn viên gia đình, cơ sở của mình, góp phần gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.

Thứ ba, căn cứ vào quy hoạch, bố trí các địa điểm, khu quảng cáo hợp lý hỗ trợ quảng cáo bằng việc xây dựng bổ sung các bảng quảng cáo công cộng ở các địa phương nhằm mục đích “thu gom quảng cáo” và khuyến khích quảng cáo tập trung để quản lý có hiệu quả, các thành phần tham gia có điều kiện, cơ hội cung ứng các loại hình dịch vụ xã hội phù hợp góp phần sớm đẩy lùi tệ nạn quảng cáo, rao vặt.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ từng bước đưa hoạt động quảng cáo, rao vặt vào đúng quỹ đạo mong muốn, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị văn minh sạch đẹp, tạo sự đồng tình của dư luận.

Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện hành, các cấp, ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ ngay từ khi cấp phép, giám sát quá trình đơn vị quảng cáo triển khai để kịp thời ngăn chặn vi phạm. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ dân phố trong việc giám sát, phát hiện vi phạm, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Nguyên cán bộ Sở VHTT Hà Nội cho biết, việc quản lý, xử lý biển quảng cáo tấm lớn, quảng cáo ngoài trời là trong thẩm quyền trách nhiệm của các quận, huyện. Nếu chính quyền quận, huyện buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra và xử lý nghiêm thì tình trạng “xôi đỗ” quảng cáo ngoài trời vẫn luôn là bài toán gây nhức nhối đối với dư luận.

Kỳ 2: Mạnh tay xử lý… Kỳ 2: Mạnh tay xử lý…
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động