Thứ năm 16/05/2024 23:57
Phóng sự “Chuyện buồn giữa đại ngàn Quỳ Châu”

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ đường QL 48A đảo mắt lên những ngọn đồi xanh kéo dài, chợt thấy lòng nhẹ tâng, những mảnh đồi bao phủ màu xanh mướt của cây cối, đó là những mảnh rừng vùng ven nghèo kiệt, được giao cho dân và họ đã hóa “cái nghèo” thành sự “trù phú” bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thế nhưng, hiện hữu phía sau những màu xanh yên bình ấy là những “bão tố”, ít ai biết rằng, chỉ xuyên qua vùng ven của bìa rừng, vào sâu trong vùng lõi là những cảnh tượng trơ trụi đến đau lòng.

Từ những lá đơn!

Xã Châu Phong thuộc huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An là một xã vùng sâu vùng xa, người dân bản địa nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Từ một địa bàn xã nhiều tệ nạn xã hội, nhiều những vấn đề nhức nhối do cái nghèo, cái đói bủa vây, Châu Phong hôm nay đã khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tươm.

Khi cuộc sống được nâng cao về mọi mặt, người dân cũng thay đổi nhận thức rõ rệt, những thói quen “ăn xổi ở thì”, những phong tục lạc hậu... cũng vì thế dần được thay thế bởi lối sinh hoạt biết gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc, giao thương buôn bán thịnh vượng hơn, đa phần thay cho nghề đi rừng đầy nguy hiểm và cuộc sống chỉ biết dựa vào rừng. Cũng nhờ đó mà, những mảnh rừng ven, nay đã được phủ xanh bạt ngàn cây keo.

Đường về Châu Phong hôm nay không còn xa xôi như những năm về trước, không còn những con đường đất sục lầy và chông chênh nữa. Ánh điện cũng đang dần được trải khắp mọi bản làng xa, gần. Những khó khăn đã và đang dần được đẩy lùi trên mảnh đất khốn khó ấy.

Gặp tôi, ông Vi Văn Phong, SN 1964, bản Lìm, xã Châu Phong, không giấu nổi niềm vui, ông kể về những ngày gian khó, và rồi miên man những câu chuyện trong niềm vui đã được sử dụng điện, mua được cái máy giặt, sắm được mấy cái quạt... Ông bảo, ở tuổi hơn 60 mới cảm nhận được sự vui sướng khi được sử dụng điện, những khó khăn những nhọc nhằn dường như đang xa dần với người dân bản nơi đây.

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Ông Vi Văn Phong là một trong 6 người đứng đơn tố cáo rừng bị phá, đất rừng bị chiếm

Tôi có dịp gặp gỡ ông Phong trong chuyến đi lần này lên xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, là bởi lá đơn mà ông gửi cho các cơ quan chức năng. Tôi khá tò mò về những nội dung trong đơn khiếu nại, tố cáo mà ông và 6 gia đình khác đứng đơn.

Trong đơn ông nêu rằng, đất rừng của gia đình ông và nhiều hộ khác đã bị mất trắng; rừng đang bị tàn phá, hủy hoại. Ngay từ khi nắm được lá đơn này, tôi khá trăn trở.

Tạm gác lại những băn khoăn, tôi định liệu tìm tới từng người trong lá đơn khiếu nại để cùng họ thực hiện hành trình xuyên rừng, xem những gì mà họ khiếu nại, tố cáo lên các cấp chính quyền sở tại, thực hư ra sao.

Gặp ông Phong, ông Vi Văn Tuyền, ông Lữ Anh Tâm, tôi đề xuất xin được cùng các ông trực tiếp đi vào rừng, đi tới vùng lõi sâu trong cánh rừng mà trong đơn đã phản ánh rừng bị chặt phá. Thấy tôi vẻ mặt đầy quyết tâm, ông Phong lập tức đáp ứng yêu cầu này. Và từ đây tôi bắt đầu bước vào hành trình xuyên rừng gần hai ngày.

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Nhiều cây gỗ lớn tuổi đời hàng chục năm bị chạt hạ, sau trận lửa nham nhở, xót xa

Với tôi đi rừng là một quyết định khá táo bạo, bởi từng có dịp xâm nhập phản ánh các vụ việc phá rừng, gỗ lậu, tôi cơ bản đã “thấm đòn” với những chuyến đi ấy. Đó là nỗi kinh sợ mưa rừng nặng hạt, ướt và lạnh, là những con vắt rừng đu bám, cắn tới chảy máu, là rắn rết...

Đến sự trơ trụi trong đại ngàn!

Đó là một hành trình đầy cảm xúc, sau nhiều giờ trèo đèo, lội suối, mất khoảng 3g đi bộ liên tục từ vùng ven, chúng tôi đã vào sâu trong rừng và từ đây mở ra một cảnh tượng hoàn toàn khác những gì suy nghĩ trước đó. Một khung cảnh trái ngược của những cây cổ thụ, của những thảm thực vật phong phú, nguyên sơ, nguyên sinh. Hiện hữu từ dãy núi này đến dãy núi khác là những mảng màu đen kịt loang lổ, là hậu quả sau những trận lửa lớn, cây cối bị cắt gọt còn trơ trọi gốc, thảm thực vật chẳng còn một thứ gì có thể sống sót nổi.

Theo hành trình ấy, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ từ chân đập của nhà máy thủy điện Nậm Pông (nằm trên đất của xã Châu Hạnh và Châu Phong), nơi có con sông Nậm Pông chảy bao đời nay. Chúng tôi chọn con đường này vì từ đây chúng tôi sẽ có hành trình dễ dàng hơn, từ đây sẽ có một con đường, việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn với những người không quen, không khỏe việc đi rừng như tôi.

Từ vùng vìa rừng, nơi chân đập nhà máy thủy điện Nậm Pông, những bước chân của chúng tôi bắt đầu khó nhọc hơn bởi con mưa rừng ngày càng nặng hạt. Việc di chuyển qua sườn dốc cao chót vót khiến tôi nhanh thấm mệt và gần như kiệt sức. Việc di chuyển bị chậm lại, khác hẳn với sự thoăn thoắt của ông Phong, ông Tuyền, ông Tâm, họ là những người dường như được xem là sinh ra từ rừng, lớn lên cũng từ rừng do vậy mà sức khỏe và sự dẻo dai.

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Nhiều thân gỗ lớn bị chặt hạ nay chỉ còn vết tích đau buồn...hiện hữu giữa những rừng keo

Qua mỗi sườn dốc cao, ông Phong lại chỉ tay về phía dưới, ông bảo trước đây toàn là khu vực rừng nguyên sơ, nguyên sinh. Nhưng nay thì họ trồng keo hết rồi. Thi thoảng trên con đường độc đạo xuyên rừng ấy tôi có bắt gặp những khoảnh rừng khá nguyên sinh ít ỏi sót lại, vẫn còn những cây gỗ lớn, gốc to bằng ba bốn người ôm.

Ông Phong bảo, địa phận này là núi Huôi Long, rồi nó cũng sẽ bị chặt hạ, vấn đề có lẽ chỉ là thời gian thôi. Trầm ngâm trong cơn mưa rừng nặng hạt, lời ông Phong vừa dứt khiến tôi thấy xót xa. Dưới gốc cây già nua ấy, hiện hữu cả sự trơ trọi, bên mạn phải gốc cây chỉ còn chút ít một khoảnh rừng nguyên sơ, bên mạn trái trơ trọi và xen kẽ những lớp lớp cây keo mới được trồng khoảng vài năm. Chỉ tay về dưới chân gốc cây già nua, ông Phong cho biết, đó là khoảnh rừng phòng hộ xung yếu năm 2003 tạm giao cho nhà ông Quanh.

Tiếp tục hành trình, qua đỉnh Huôi Long, chúng tôi lội qua một con suối nhỏ, cách con suối ấy không xa, tôi bất chợt thấy nhiều cây gỗ khá lớn đứng sừng sững cạnh con đường dẫn vào rừng sâu. Khoảng rừng ấy đâu đó vẫn còn rất nhiều cây gỗ quý, chúng mọc san sát vào nhau như tựa lưng, người đi cùng bảo tôi, những cây gỗ đó có tuổi đồi hàng chục và hàng trăm năm tuổi, rừng này xưa nhiều gỗ quý, nay thì cũng chẳng còn đáng bao nhiêu nữa... Ông Phong nói, đó là khu rừng mà nhà ông Lô Dũng được tạm giao từ 2003.

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Một khoảnh rừng vừa bị đốt, phá vẫn còn vết tích một cây gỗ lớn đã bị chặt hạ, cháy đen

Tiếp tục hành trình, chúng tôi vượt dốc cao, qua khu vực đỉnh đồi khá dài, người dân nơi đây gọi khu vực này là núi khe Tà Pé giáp vối núi Huôi Mạt. Bất giác ông Phong dẫn tôi xuyên qua mấy cây keo tràm, ông chỉ tay về vết tích gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ từ lâu. Ôm gốc cây ấy, ông Phong bảo những cây lớn như này trước đây ở đây nhiều lắm, nhưng nay bị hạ hết rồi, trơ gốc này thôi chú, chú xem có xót không. Họ trồng keo tràm, họ chặt hết rồi chú ạ.

Ông Phong cho biết, khu vực này năm 2003 gia đình ông, gia đình ông Châu, gia đình ông Chương được tạm giao đều là rừng phòng hộ xung yếu. Nhưng mấy năm qua bị phá, hạ hết cây rồi, giờ người ta còn lấy cả đất chúng tôi được giao cho hộ khác trồng keo tràm hết rồi.

Tiếp tục đi sâu vào khu vực Huôi Mạt, tôi khá bất ngờ khi cả một khoảnh rừng lớn thi thoảng còn trơ lại những gốc cây cổ thụ, hoặc thân cây lớn đã cháy rụi nằm xem kẽ dưới lớp cây tràm vừa được trồng khoảng chừng 2 năm trở lại đây.

Men theo con đường nhỏ vào khu vực đó có 4 ngôi nhà sàn, người dân ở đây gọi là lán tạm ở để làm rừng. Khu vực này thuộc Huôi Mạt, từ ngoài vào bên kia giáp mảnh rừng trông khá nguyên sinh là loang lổ những vết tích rừng bị đốt cháy, nhiều gốc cây trơ trụi, nhiều cây gỗ đã bị chặt hạ và nhem nhuốc sau trận lửa lớn.

Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Nham nhở nơi đại ngàn

Đến Huồi Mạt khi trời đã buông màn đêm, cơn mưa rừng vẫn còn khá nặng hạt, chúng tôi xin một hộ dân nhờ qua đêm. Trong bữa cơm chiều nơi rừng sâu, tôi chẳng còn được nghe tiếng chim muông. Tôi có hỏi, đáp lại là câu trả lời: Rừng còn đâu nữa mà chim với thú!

Trong bữa cơm ấy, tôi được nghe những người nơi đây kể về cái thuở rừng còn nguyên sinh, vẫn còn những lần họ chạm trán với khỉ, với rắn với lợn rừng... Còn giờ đây tất cả chỉ là dĩ vãng, mảnh rừng vốn dĩ nguyên sinh nay đã trở thành nơi trồng keo, có những chỗ thì nham nhở vì mới bị đốt, phá để tiếp tục dành đất cho việc trồng cây keo.

Sau đêm ấy, chúng tôi lại có một hành trình “đầy nước mắt” hơn nữa...

(Còn nữa)

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động