Khai thác bền vững, hiệu quả khu phố cổ Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrường Mầm non 1-6 (số 23 Nguyễn Quang Bích), là một trong những công trình kiến trúc được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Thanh Tuấn |
Phát huy giá trị khu phố cổ
Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng.
Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong khu Phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trong đó, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.
Tiêu biểu như: ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Đền Quan đế 28 Hàng Buồm, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Trung tâm văn hóa Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) 22 Hàng Buồm, đình Nam Hương 75 Hàng Trống…
Hiện, Hà Nội đang tiếp tục tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan phố Tràng Tiền. Đặc biệt, dự án trùng tu biệt thự mẫu 49 Trần Hưng Đạo đã hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp bị xuống cấp từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo thời gian, diện mạo khu phố cũ cũng đang dần biến đổi do bị tác động bởi khí hậu, thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số… Nhiều công trình hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo PGS.TS Lương Tú Quyên, Đại học Kiến trúc Hà Nội, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất trong bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay là, việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một.
Theo TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, chủ nhiệm khoa Kiến trúc-công trình, trường đại học Phương Đông, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện thành công các chính sách, mô hình để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn các di tích, chẳng hạn TP Vancouver (Canada) đã sử dụng “Hợp đồng tôn tạo di sản“ để bảo vệ di sản thuộc sở hữu tư nhân bên ngoài các khu di tích lịch sử. Những hợp đồng này đem lại lợi ích cho cả TP và chủ sở hữu di sản, giúp ngăn chặn sự phá hủy hoặc mai một các công trình di sản kiến trúc đô thị.
Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (26 Hàng Bài), một trong những công trình kiến trúc được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Thanh Tuấn |
Phát triển bền vững, hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, gìn giữ giá trị văn hóa khu phố cũ, phố cổ trong bối cảnh tái thiết đô thị. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5526/QĐ-UBND về việc công nhận Khu du lịch cấp TP đối với Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).
Theo quyết định này, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển khu du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan. Các Sở, ngành khác có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng khu du lịch khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu Phố cổ Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật và của TP, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, tổng diện tích khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu vực phố cổ Hà Nội là 145,72 héc-ta. Hồ Hoàn Kiếm nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội, có ba biểu tượng nổi tiếng là Tháp Rùa, Đài Nghiên và Tháp Bút, trở thành biểu tượng văn hóa của cả nước. Trong đó tập trung rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa.
Ban quản lý đã thực hiện dự án thí điểm cải tạo đoạn phố Tạ Hiện với kiến trúc Việt Nam và Pháp vào năm 2010, Dự án cải tạo 40 phố Lãn Ông với hai khối nhà Pháp năm 2014. Đồng thời, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý tập trung nguồn lực, nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp như̛: trụ sở CA quận Hoàn Kiếm (số 2 phố Tràng Thi), trụ sở CA phường Cửa Đông (số 18 phố Nguyễn Quang Bích), trường Mầm non 1-6 (số 23 Nguyễn Quang Bích)…
Không thể phủ nhận, trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, để xứng đáng với danh hiệu là Di tích Quốc gia trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế.
PGS. TS Đặng Văn Bài (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia): Nhìn từ góc độ di sản đô thị, phố cổ Hà Nội là bộ phận cấu trúc đô thị điển hình của một đô thị cổ. Với hình thức kiến trúc dân gian, Phố cổ Hà Nội phản ánh dạng thức kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử của Thủ đô. |
Hà Nội cấm một số tuyến đường tại quận Hoàn Kiếm phục vụ Lễ hội Trung thu phố cổ | |
Hà Nội kiểm tra hoạt động của xe U-oát chở khách du lịch trong phố cổ | |
Rộn ràng mùa trăng xưa trên phố |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại