Thứ tư 15/01/2025 12:36

Hậu quả của hành vi tội phạm liên quan đến tiền giả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào, số lượng tiền giả bao nhiêu thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc tù chung thân.
4 đối tượng tại một tụ điểm của đường dây lừa bán tiền giả quy mô lớn vừa bị Công an TP Bảo Lộc đánh sập, bắt giữ. Ảnh: Bộ Công an

4 đối tượng tại một tụ điểm của đường dây lừa bán tiền giả quy mô lớn

vừa bị Công an TP Bảo Lộc đánh sập, bắt giữ. Ảnh: Bộ Công an

Rao bán tiền giả, trao tiền âm phủ

Mới đây, Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 14 đối tượng để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong 14 đối tượng bị khởi tố, Công an TP Bảo Lộc xác định Phạm Minh Thành (26 tuổi), Nguyễn Hữu Nghĩa (34 tuổi), Tô Hoàng Bảo Thúy (24 tuổi) cùng thường trú tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; Trần Hoài Tiến (32 tuổi) thường trú tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và Nguyễn Hoài Tâm (24 tuổi) thường trú tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là nhóm chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo này.

Trước đó, một nhóm đối tượng có hành vi quảng cáo bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook đã được phát hiện thông qua công tác trinh sát và các tin báo tố giác tội phạm của quần chúng Nhân dân.

Qua điều tra ban đầu, Công an TP Bảo Lộc xác định đây là đường dây quy mô lớn với nhiều nhóm đối tượng cùng hoạt động với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Sau thời gian thu thập các tài liệu, chứng cứ, Công an TP Bảo Lộc đã lập ban chuyên án huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ chia làm 4 mũi đồng loạt tấn công vào 4 tụ điểm của đường dây lừa đảo này tại các căn nhà cho thuê trên đường Phan Đình Giót (Phường 1), Trần Quốc Toản (phường B’Lao), Trần Phú (phường Lộc Sơn) và thôn Tân Hóa 1 (xã Lộc Nga).

Qua khám xét 4 tụ điểm, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tang vật cùng nhiều bao tải bên trong chứa nhiều giấy “tiền âm phủ” mệnh giá 200.000 đồng và nhiều hộp giấy bên trong chứa các loại hạt khử mùi, xi măng đã được đóng gói dán "tiền âm phủ".

Theo Công an TP Bảo Lộc, để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm người nói trên đã tạo tài khoản Facebook ảo rồi thuê chạy quảng cáo rao bán tiền giả. Khi đặt mua, khách hàng không cần đặt cọc tiền, chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.

Cách giao dịch của nhóm tội phạm nói trên là khi có khách hàng đặt mua tiền giả, nhóm đóng gói các hộp giấy thành các kiện hàng nhỏ. Sau đó cho các loại bột khử mùi, xi măng, “tiền âm phủ” vào bên trong hộp. Các kiện hàng này sau đó được gửi giao hàng tại các bưu cục chuyển phát nhanh cho khách mua tiền giả theo hình thức không được kiểm tra hàng trước khi giao.

Trong 6 tháng hoạt động, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỉ đồng. Tỉ lệ giao hàng thành công của nhóm lừa đảo là khoảng 30%.

Hậu quả pháp lý của hành vi tội phạm liên quan đến tiền giả

Liên quan đến sự việc trên, điều được nhiều người quan tâm đến hậu quả liên quan đến tiền giả sẽ bị xử lý thế nào.

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Điều đó được quy định tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Điều này cũng quy định tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế…” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.

Cùng với đó, Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định các hành vi bị cấm. Trong đó nghiêm cấm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật… và các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định 87/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, tiền giả được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.

Như vậy, tiền giả là tiền được làm giống như tiền thật nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành.

Còn theo khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng, hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý phạt cải tạo, phạt tiền, phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, từ các quy định trên, hậu quả pháp lý của tội phạm liên quan tiền giả có thể xảy ra như sau:

Đối với hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với hành vi che giấu tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, theo Điều 389, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đối với hành vi không tố giác tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người nào biết rõ tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Bắt đối tượng in tiền giả rồi bán cho khách ở nhiều tỉnh, thành

Đề xuất hướng dẫn việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động