Hà Nội giao chỉ tiêu, quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội dự hội nghị. |
Dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TP; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Anh Tuấn.
Nỗ lực hoàn thành 4 chỉ tiêu khó ở mức cao nhất
Tại hội nghị, các đại biểu được xem phóng sự những kết quả kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Văn phòng UBND TP công bố Quyết định số 6399/QĐ-UBND của UBND TP về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 của TP Hà Nội.
Biểu tổng hợp chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm 25 chỉ tiêu. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 5% trở lên; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%...
Quyết định của UBND TP nêu rõ, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của TP, các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội, chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp và dự toán ngân sách được giao, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 cho các đơn vị trực thuộc theo quy định trước ngày 31/12/2024.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TP phát biểu chỉ đạo và phát động phong trào thi đua năm 2025. |
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tham luận của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân về những nội dung cần quan tâm để thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Năm 2025 là năm đầu triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược: Luật Thủ đô 2024; 2 Quy hoạch quan trọng của Thủ đô; đồng thời xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2026-2030 phục vụ dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025, các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, 25 chỉ tiêu kế hoạch năm 2025 và 17 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong đó, cần nỗ lực để hoàn thành ở mức cao nhất 4 chỉ tiêu khó khăn là tăng trưởng GRDP; GRDP/người; vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Ngoài ra, tập trung khơi thông các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn thu từ đất; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; đẩy nhanh các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, tín dụng, bảo hiểm...; hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh (thủ tục vay vốn ngân hàng; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, đào tạo lao động, khoa học và công nghệ...).
Các đơn vị phải quyết liệt thực hiện các giải pháp ngay từ đầu năm để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025; đồng thời phấn đấu cao hơn, chuẩn bị các điều kiện để phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn 2026-2030.
Quang cảnh hội nghị. |
Phấn đấu thu ngân sách năm 2025 đạt trên 500.000 tỷ đồng
Tiếp đó, các đại biểu được nghe tham luận của Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu về những nội dung cần quan tâm về dự toán thu, chi ngân sách năm 2025. Năm 2025 không chỉ là năm cuối của giai đoạn ổn định ngân sách 2023- 2025 mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua. Luật mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, trong đó tài chính - ngân sách là một trụ cột quan trọng để hiện thực hóa các định hướng chiến lược.
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2024 trên địa bàn TP là 453.130 tỷ đồng, đạt 110,9% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Sở Tài chính đề nghị các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, điều hành thu ngân sách những ngày còn lại của năm 2024, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xác định nghĩa vụ tài chính của các dự án thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhằm phấn đấu đạt trên 500.000 tỷ đồng…
Các đại biểu dự hội nghị. |
Sắp xếp, bố trí cán bộ bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh về một số nội dung liên quan về biên chế và các nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Theo đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó, không tránh khỏi tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Do vậy, để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được hiệu quả, từng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn và chuyển giao bộ máy. Đây là công việc không đơn giản, là việc khó, liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức, do vậy, cần động viên, sự tự giác, tinh thần đoàn kết và gương mẫu trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, từng cơ quan, đơn vị phải ổn định tổ chức, từng cán bộ, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ cương, nguyên tắc và tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình. Đặc biệt, không để xảy ra tư tưởng lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay sự phân tán trong công việc. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm theo tổ chức bộ máy mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả đi vào hoạt động ngay sau khi được phê duyệt, không làm gián đoạn việc triển khai nhiệm vụ phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Hội nghị triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ và phát động phong trào thi đua năm 2025. |
Bên cạnh đó, rà soát, lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới. Điều tiết từ nơi thừa về nơi thiếu một cách tổng thể, tạo sự ổn định, đảm bảo tối đa quyền lợi cho đối tượng thuộc diện sắp xếp.
Ngoài ra, quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quyền lợi, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Trung ương và của TP, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TP đã phát biểu chỉ đạo và phát động phong trào thi đua năm 2025.
Hà Nội định hướng giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại