Thứ năm 21/11/2024 19:10

Giải pháp để “dọn rác” quảng cáo trên môi trường số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quảng cáo “rác” trên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành vấn đề gây bức xúc tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo kỳ vọng sẽ ngăn chăn, xử lý triệt để được vấn đề này.
Người dân cần cảnh giác và đừng vội tin ngay những quảng cáo trên mạng xã hội kẻo “tiền mất, tật mang” (Ảnh minh họa)
Người dân cần cảnh giác và đừng vội tin ngay những quảng cáo trên mạng xã hội kẻo “tiền mất, tật mang” (Ảnh minh họa)

"Ma trận” quảng cáo trên môi trường số

Có thể thấy, người sử dụng mạng xã hội hiện nay vẫn gặp vô số các quảng cáo dưới hình thức chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm được chuyển tải bởi những người nổi tiếng cho đến những người dễ tạo uy tín trong cộng đồng. Sản phẩm được quảng cáo cũng thiên hình vạn trạng. Các nội dung quảng cáo này rất dễ thuyết phục người tiêu dùng mặc dù khó xác định người chuyển tải chúng có thực sự sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà họ quảng cáo hay không.

Chị Nguyễn Thị Huệ (nhân viên kinh doanh ở Hà Nội) chia sẻ, cứ mở mạng ra muốn đọc một tin tức là y như rằng hàng loạt quảng cáo “nhảy bổ” vào giữa màn hình máy tính. Không chỉ những hình ảnh quảng cáo thông thường, mà cả những hình ảnh phản cảm cũng xuất hiện nhan nhản. “Nhiều lúc tôi thấy rùng mình vì các hình ảnh, lời lẽ quảng cáo hết sức thiếu văn hóa tràn lan trên các trang mạng, thực sự thấy phiền hà vì thập cẩm các loại “rác” quảng cáo trên môi trường số. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của tôi mà điều khiến tôi lo sợ nhất là những thông tin độc hại tràn lan này sẽ tác động tiêu cực đến con tôi trong quá trình sử dụng máy tính để học tập” - chị Phạm Tuyết Lan băn khoăn.

Đặc biệt, một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm được gắn “mác xịn” để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như “thần dược” dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; trong đó, Youtube, Facebook, TikTok cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Bên cạnh đó, công cụ để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.

Cơ chế quản lý nội dung, bật kênh kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ các quy định pháp luật; cơ chế xử lý vi phạm thiếu trách nhiệm, không triệt để. Trong khi đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng; không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.

Trước đó, ngày 23/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo để khuyến khích các đơn vị phát hành, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội đặt quảng cáo trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, báo, tạp chí điện tử, kênh, mạng xã hội đã được cơ quan nhà nước xác minh và cấp phép. Đây là những công cụ pháp lý quan trọng để ngăn chặn quảng cáo “rác” tràn lan trên mạng xã hội, đồng thời giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xử lý không ít cá nhân, doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Theo đó, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ, đã bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà tiếp tục vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay chưa có tính răn đe đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, dẫn đến hiện tượng có doanh nghiệp liên tục bị xử phạt hành chính vì sai phạm trong quảng cáo nhưng không hề rút kinh nghiệm. Hơn nữa, đối tượng xử phạt về vi phạm quảng cáo hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các đơn vị phân phối quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa vươn tới các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Thái An)
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Thái An)

Kỳ vọng vào Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung

Hiện, một số quốc gia trên thế giới đã xử phạt các nền tảng mạng xã hội vi phạm chính sách quảng cáo. Điển hình là ngày 21/11/2023, Bộ Tư pháp Brazil thông báo sẽ phạt Meta khoản tiền lên đến 1,86 triệu USD vì không rút lại quảng cáo sai lệch về chương trình tín dụng mang tên gọi Desenrola Brazil do Chính phủ đưa ra. Theo nhận định của Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng (Senacon) Brazil, Facebook đã cho phép các quảng cáo giả mạo chương trình tín dụng Desenrola Brazil của Chính phủ để thực hiện các hành vi gian lận khác nhau như chuyển hướng đến các website cho vay tiền, làm rò rỉ dữ liệu cá nhân.

Ngày 23/12/2023, Meta tiếp tục bị Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia Italia (AGCOM) phạt số tiền 6,4 triệu USD do vi phạm lệnh cấm quảng cáo cờ bạc. Theo điều tra của AGCOM, 18 tài khoản trên các nền tảng Instagram và Facebook đã có hành vi quảng cáo, cổ xúy cá cược hoặc đánh bạc ăn tiền. Trước đó cơ quan này cũng xử phạt hai nền tảng mạng xã hội YouTube và Twitch vì vi phạm lệnh cấm. Đây có thể xem là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng trong trường hợp các mạng xã hội tiếp tục vi phạm pháp luật về quảng cáo như hiện nay.

Để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23A quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền, nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân; quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm; quy trình phát hiện vi phạm, tiếp nhận thông tin, xử lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng bằng giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, mạnh tay trong xử lý, hy vọng, trong thời gian tới những vi phạm trong quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới sẽ được siết chặt hơn nữa, không còn là “lỗ hổng” để kẻ xấu lợi dụng để đe dọa an ninh, an toàn trên không gian mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân người dùng mạng xã hội. Qua đó cũng góp phần bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Nghị quyết số 97 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển hoạt động quảng cáo. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của hoạt động này trên môi trường mạng (internet) và các nền tảng xuyên biên giới (trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động như Facebook, TikTok, YouTube ...). Dự kiến, Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy dịch vụ công ngành BHXH trên môi trường số Thúc đẩy dịch vụ công ngành BHXH trên môi trường số
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động