Giải bài toán tăng cường quản lý thị trường thực phẩm chức năng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thông báo từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thông báo, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xử lý các cơ quan báo chí quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an tăng cường việc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh TPCN. Bộ Công thương quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp TPCN.
Vào thời điểm hiện tại, thị trường TPCN vẫn được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ, nhiều DN tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, xu hướng bán hàng online đang lên ngôi khi ai cũng có thể mở shop trên môi trường mạng.
Quản lý chặt và có hiệu quả sẽ giúp định hình thị trường TPCN được phát triển một cách lành mạnh nhất. (Ảnh: N.Đăng) |
Hiện nay, nhiều DN và các cá nhân đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website, mạng xã hội để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng… Đây cũng là một kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại công khai nhiều mặt hàng thực chất là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là với mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, TPCN...
Theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, vào năm 2000 mới chỉ có 13 DN nhập khẩu TPCN với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 Cty sản xuất kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn. Số người sử dụng TPCN liên tục gia tăng và tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Nếu năm 2005, có xấp xỉ khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, TP sử dụng TPCN (chiếm 1,1% dân số) thì đến năm 2010, cả nước có khoảng 5,7 triệu người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh, thành. Năm 2015, số người dùng TPCN đã tăng lên với khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17% dân số) ở khắp các tỉnh, thành và đến năm 2017, số người dùng TPCN đã tăng lên 21% dân số, tương đương gần 20 triệu người.
Trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này, theo Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, đến nay, Việt Nam có năm văn bản của Bộ Y tế, một Luật, một Nghị định Chính phủ quy định rất chặt chẽ về quản lý TPCN, từ ghi nhãn, quảng cáo, công bố, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất của cơ sở; bản công bố các thành phần, công dụng; đối tượng sử dụng; phiếu kiểm nghiệm; các chỉ tiêu về an toàn như vi sinh, kim loại nặng…
Theo quy định, từ 1-7-2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) tức là điều kiện sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải khác với những sản phẩm thực phẩm thông thường như sản xuất bánh kẹo, bún, phở… tương đương điều kiện sản xuất thuốc.
Ðáng chú ý, cơ quan quản lý Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các DN làm các thủ tục hành chính như công bố, quảng cáo tất cả các thủ tục này đã được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 từ năm 2014. Toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục này, DN có thể theo dõi được trên các trang thông tin điện tử, hồ sơ đến chuyên viên nào đang xử lý; yêu cầu sửa đổi, bổ sung cái gì, phát hành công văn yêu cầu ra ngày nào, căn cứ vào quy định nào để yêu cầu sửa đổi, không phải yêu cầu tùy tiện.
Tuy đã có những quy định quản lý khá chặt chẽ, nhưng thực tiễn vẫn có nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Vi phạm nhiều nhất là các DN, người kinh doanh bán hàng, quảng cáo khi chưa được cấp phép; mặt khác xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng trực tuyến nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều sản phẩm được ghi bên trên là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, đóng giả bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Hành vi giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn người tiêu dùng sử dụng TPCN là rất nguy hiểm, nhiều khi làm cho người bệnh không chỉ mất tiền mà còn tổn hại sức khỏe.
Những sai phạm của các DN đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm 2018, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn bốn tỷ đồng (chưa kể các Sở y tế, 63 Chi cục Vệ sinh ATTP và Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông).
Tất cả các đơn vị vi phạm đều công khai trên trang thông tin điện tử của Cục ATTP về nội dung vi phạm, số tiền bị phạt, hình thức xử phạt. Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng dứt khoát không mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ghi rõ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nhãn mác, bao bì; không có dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh”; những sản phẩm mà phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị, hoặc chữa khỏi dứt điểm, hoặc sản phẩm tốt nhất… đều là những sản phẩm vi phạm. Đây là lưu ý tiên quyết để người tiêu dùng có thể phân biệt và lựa chọn cho mình một phương thức sử dụng TPCN một cách hiệu quả và kinh tế nhất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại