Thứ năm 21/11/2024 19:56

Đưa hàng thủ công mỹ nghệ vươn ra “biển lớn”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn được các cơ quan chức năng ưu tiên với nhiều giải pháp khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới cùng với sự phát triển và hoàn thiện cơ cấu của thị trường thương mại điện tử, thị phần hàng thủ công mỹ nghệ sẽ là kênh hỗ trợ đắc lực giúp hàng Việt có thể vươn xa ra thị trường quốc tế.

Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động nhằm hỗ trợ và hướng tới phát triển bền vững các làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Số liệu thống kê của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có hơn 1.000 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, các làng nghề, DN hiện nay chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như số lượng của nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhiều khi, DN nhận được các đơn hàng lớn mà không dám làm. Nguyên nhân là do huy động cả làng cùng sản xuất vẫn không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và thời hạn giao hàng.

dua hang thu cong my nghe vuon ra bien lon
Hội chợ Hanoi Gift Show sẽ là cầu nối đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế. ẢNH: V. KHUÊ

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, có nhiều nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ nhất trên thế giới, với gần 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ trong đó có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước… Các làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội mà còn tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, với thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35-50 triệu đồng/ người/ năm. Trong đó, có nhiều làng nghề có mức thu nhập cao từ 70-100 triệu đồng/người/năm. Cụ thể, những năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần và thị trường vẫn còn gặp không ít khó khăn...

Với mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân làng nghề và phát triển kinh tế, thời gian vừa qua TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất làng nghề như: Vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại... Đặc biệt, TP đã thuê các chuyên gia nước ngoài, mở lớp tập huấn về thiết kế; đồng thời, mong muốn các DN, cơ sở sản xuất chủ động, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, đổi mới quản lý và sản xuất để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.

Một trong những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả, được Hà Nội áp dụng trong những năm qua chính là việc tổ chức các Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ. Các sự kiện này không chỉ giúp các DN, nhà sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong nước mà còn là dịp tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nhiều tiềm năng này.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công trên thương trường, ông Lê Hoài Vũ, đại diện Cty TNHH gốm sứ Hoàng Minh cho hay, yếu tố giúp DN “giữ chân” được bạn hàng quốc tế chính là chiến lược tạo sự khác biệt. Với tâm niệm, gốm sứ sản xuất ra phải vừa đẹp hình thức, vừa bảo đảm chất lượng nên ông luôn đặt ra 3 tiêu chí cho cơ sở của mình: Đổi mới công nghệ sản xuất và nghiên cứu, sáng tạo những dòng men mới; Hợp lý hóa trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào; Chủ động tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài để tìm hiểu thị hiếu khách hàng cũng như tích cực quảng bá thương hiệu.

Kinh nghiệm của một số DN làng nghề thành công cũng cho thấy, thay vì thụ động chờ đợi cơ hội, bản thân mỗi làng nghề cần phải tự chuyển mình cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu trước đây làng nghề chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường cố định và bán cái mình có thì nay phải chuyển sang tư duy bán cái thị trường cần, định vị lại cơ cấu các mặt hàng.

Tuy nhiên, để làm được điều trên không phải dễ với nhiều làng nghề, vì không phải cơ sở nào cũng dày vốn đầu tư và tuyển dụng đội ngũ thiết kế, công nghệ hiện đại. Do vậy, Nhà nước cùng Hiệp hội các làng nghề cần hỗ trợ về vốn, dây chuyền công nghiệp, cơ chế phù hợp để tăng khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin bằng việc tổ chức những kỳ xúc tiến thương mại để nghệ nhân có điều kiện tìm hiểu thị hiếu khách nước ngoài mà mặt hàng Việt Nam có thể hướng đến.

Trên cơ sở đó, Hà Nội đã có nhiều hỗ trợ cho các DN sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, như: Miễn phí thuê gian hàng, bố trí người phiên dịch... Do vậy, các DN rất yên tâm và cố gắng thể hiện thật tốt tại các kỳ hội chợ, các dịp xúc tiến thương mại quốc tế. Ông Lê Hồng Thăng – GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Với phương châm đề cao yếu tố chất lượng, không chạy theo số lượng, chúng tôi chú trọng tập trung lựa chọn hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có tiềm năng, thế mạnh để xuất khẩu ra thị trường quốc tế”.

Hanoi Gift Show là hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ định hướng xuất khẩu, được diễn ra vào tháng 10 hàng năm tại Hà Nội, nằm trong chuỗi chuyên ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu lớn trên thế giới được tổ chức tại khu vực châu Á. Hội chợ diễn ra từ 17 đến 20-10 với khoảng 650 gian hàng của các DN, cơ sở sản xuất trong nước và thế giới, dự kiến thu hút khoảng 12.000 khách tham quan, trong đó trên 600 nhà nhập khẩu nước ngoài. Đánh giá về những kỳ hội chợ trước, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho hay, sau 6 năm tổ chức, hội chợ ngày càng tạo được lòng tin, uy tín đối với các DN, quy mô gian hàng, số lượng DN tham gia, đến thăm quan giao dịch và ký kết các biên bản ghi nhớ hợp đồng giao dịch tại hội chợ ngày càng tăng. Số lượng các đơn vị DN nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại hội chợ tăng bình quân 10%/năm, với tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu thông qua các kỳ hội chợ đạt 15 triệu USD. Ước tính giá trị XK từ các hợp đồng thông qua hội chợ đạt khoảng 4 - 5 triệu USD. Chất lượng các DN tham gia hội chợ ngày càng cao, từ chỗ chủ yếu là các đơn vị bán lẻ, chỉ đạt hơn 50% năm 2011, đến năm 2016 đã đạt trên 90% DN tham gia đều là các tổ chức có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu, trong đó nhiều DN xuất khẩu lớn có kim ngạch từ 1,5 - 5 triệu USD/năm.
Việt Khuê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động