Điều tra vụ việc hàng trăm ngôi mộ bị xâm phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCA huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị đang tích cực điều tra, truy bắt nghi phạm đã có hành vi đâm thủng lỗ hàng trăm ngôi mộ. Trước đó ngày 28-5, lãnh đạo UBND xã Nam Hải và Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xác nhận trên địa bàn ghi nhận có hàng trăm ngôi mộ ở các nghĩa trang nhân dân xuất hiện tình trạng bị khoan đục lỗ.
Cụ thể, gần đây người dân ra nghĩa trang để viếng mộ của gia đình thì phát hiện ngôi mộ nhà mình và các ngôi mộ xung quanh bị dùi thủng một lỗ hình tròn từ trên mặt xuống sâu bên dưới. Người dân tại các xã Nam Hà và xã Nam Hải tỏ ra hoang mang, lo lắng và bức xúc khi phát hiện sự việc.
Cơ quan chức năng huyện Tiền Hải tiến hành khoanh vùng, kiểm đếm, khám nghiệm hiện trường các ngôi mộ bị khoan lỗ |
Nhận tin trình báo, chính quyền địa phương cử cán bộ và công an xã tìm hiểu, ghi nhận thông tin từ phía người dân. Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xác nhận có sự việc như vừa nêu ở trên và CA huyện Tiền Hải đang phối hợp với CA các xã Nam Hà, Nam Hải khẩn trương khoanh vùng, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
Được biết, tại xã Nam Hải, qua thống kê thì có đến gần 300 ngôi mộ bị dùi thủng lỗ. Còn tại xã Nam Hà, người dân ghi nhận có 85 ngôi mộ chưa cải táng ở địa phương xuất hiện những lỗ tròn nhỏ sâu xuống mộ 40-50cm, không rõ mục đích của người gây ra sự việc này là gì.
Luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả” theo Điều 319, BLHS năm 2015. CQĐT cần vào cuộc xác minh sự việc, làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi khoan lỗ vào các ngôi mộ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
“Hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi trái đạo đức, ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh và tinh thần những người thân của người đã khuất. Hiện pháp luật cũng có những quy định để bảo vệ mồ mả của cá nhân, cũng như có những biện pháp chế tài đối với những người có hành vi cố ý xâm phạm mồ mả. Người có hành vi này sẽ chịu mức án cao nhất lên đến 7 năm tù giam”, luật sư Phạm Quang Xá chia sẻ.
Cũng theo luật sư Phạm Quang Xá, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: Đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài họa tiết trang trí trên mộ… Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài vấn đề trách nhiệm hình sự thì hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt còn phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại khoản 2m Điều 607, BLDS năm 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
“Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.
Điều 319, BLHS năm 2015: Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; c) Vì động cơ đê hèn; d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại