Đèn lồng Việt Nam đẹp nhất thế giới tại Cuộc thi đèn lồng quốc tế tổ chức lần đầu tiên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTối 18/1, Cuộc thi và Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean 2025 được tổ chức tại Vinhome Ocean Park 2 (Văn Giang, Hưng Yên). Đây cũng là cuộc thi đèn lồng quốc tế được tổ chức lần đầu tiên trên toàn thế giới. |
Lối vào của Lễ hội và Cuộc thi đèn lồng quốc tế là mô hình cổng rồng, cũng là một tác phẩm đèn lồng cỡ lớn. Tác phẩm lấy cảm hứng hình tượng văn hoá truyền thống của Việt Nam như Bạch Hạc, rồng thời Trần đặc trưng với mũi vòi voi uốn lượn, ở trên cùng tại cổng là hình tượng rồng thời Lý. Dưới mái vòm là hình ảnh của cá chép cùng với đài hoa sen. |
Cụm đèn lồng mang tên "Hồn thiêng Đất Việt" của nhóm tác giả Hội An Craft có quy mô 70mx20m lấy hình ảnh cách điệu thu nhỏ của phố cổ Hội An gây ấn tượng với du khách. |
Những hình ảnh đặc trưng của Hội an như Chùa Cầu, thuyền, hoa đăng... khiến du khách có cảm giác như đang được check in tại một Hội An thu nhỏ. Tác phẩm cũng đã xác lập kỷ lục là Cụm đèn lồng có kích thước lớn nhất Việt Nam. |
Tác phẩm đèn lồng "Hồn thiêng Đất Việt" đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi. Anh Võ Hoàng (SN 1984), thành viên đội Hội An Craft chia sẻ: "Tác phẩm được làm thủ công hoàn toàn từ vật liệu cho tới quá trình chế tác đèn. Đội Hội An mang đến chất liệu mới là giấy làm từ cây dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) do chính đội tự nghiên cứu trong 5 năm. Trước đây, chúng tôi chỉ dùng giấy này để tạo khung tranh, cho tới khoảng 10 năm gần đây mới làm đèn lồng từ giấy dừa nước. Với tác phẩm, đội chúng tôi cũng mong muốn được mang sản phẩm đèn lồng từ vật liệu mới này ra quốc tế để bạn bè quốc tế hiểu được về nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam". |
Tác phẩm "Trâu Đông Hồ" của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây) tại lễ hội. "Tôi may mắn là đội duy nhất của Hà Nội lọt vào vòng chung kết đèn lồng quốc tế. Điều mà tôi muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình là những nét văn hóa đặc trưng của Thăng Long. Đó là hình ảnh đình làng, một biểu tượng văn hoá quần cư, kết hợp với hình tượng con trâu một giá trị quan trọng của nền nông nghiệp, các hình ảnh thể hiện trên ngôi đình là những hình tượng sinh hoạt, đời sống, dựng nước và giữ nước, được thể hiện bằng các bức tranh Đông Hồ" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ. |
Tác phẩm đèn lồng mang tên "Lạc Long Quân trở về" của đội thi Sắc màu Thành Tuyên có kích thước 8mx20m lấy hình tượng Quốc phụ Lạc Long Quân đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi. Chị Đặng Thị Thu Hường (Tuyên Quang, đại diện đội thi) chia sẻ: "Hình ảnh Lạc Long Quân trở về là một biểu trưng sống động và kỳ diệu của lòng yêu thương, sự che chở và bảo vệ từ tổ tiên. Đó là lời nhắc nhở về mối liên kết mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa dân tộc với tổ phụ của mình. Niềm tin vào sự trở về của Lạc Long Quân không chỉ là một niềm an ủi tâm linh mà còn là nguồn cảm hứng cho tinh thần đấu tranh, đoàn kết và kiên cường của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ". |
Tác phẩm "Lễ tế Sajik & Nongak - Sajik & Nongak Scarifce" của tác giả Lee Sang Moo (Hàn Quốc) đạt giải khuyến khích. |
Với thông điệp xuyên suốt "Thắp sáng vì sự sống – Shine for Life”, Cuộc thi Thiết kế đèn lồng quốc tế Ocean 2025 không chỉ quy tụ những nghệ nhân đèn lồng xuất sắc nhất thế giới mà còn mở ra cơ hội nâng tầm và đưa nghệ thuật đèn lồng vào đời sống đương đại. Thông qua cuộc thi, các nghệ nhân sẽ được phát huy tối đa tinh hoa của nghệ thuật đèn lồng truyền thống, kết hợp khả năng sáng tạo không giới hạn của công nghệ hiện đại để tạo ra những bữa tiệc thị giác độc lạ và mãn nhãn cho công chúng. |
Đặc biệt, lần đầu tiên, kỳ quan đèn lồng Yuyuan Lantern Festival nổi tiếng thế giới đã hiện diện tại Việt Nam với chủ đề quen thuộc mang huyền tích Á châu mang tên "Sơn Hải dị kì ký". “Sơn Hải dị kì ký” là thế giới của những sinh vật huyền bí được mô tả trong Sơn Hải Kinh – một trong những sách địa lý lâu đời nhất của Trung Quốc xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Kết hợp với các thiết kế lấy cảm hứng từ sách Lĩnh nam chích quái – cuốn truyện thần thoại dân gian Việt Nam được biên soạn và xuất bản vào cuối triều Trần - các linh thú trong thần thoại 2 đất nước tạo thành một thế giới “Sinh vật huyền bí phương Đông” lung linh ảo diệu. Điểm nhấn nổi bật của triển lãm là các tác phẩm “Cổng rồng Đông A”, “Cây thần Phù Tang”, “Thần Kim Quy”, “Bạch Long” và “Công chúa Thủy cung”… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc, Yuyuan Lantern Festival đã thu hút 4 triệu du khách trong mùa lễ hội 2024 tại Thượng Hải, đồng thời ghi dấu ấn mạnh mẽ với công chúng Paris (Pháp) và toàn cầu. |
Du khách chụp ảnh check-in tại mô hình đèn lồng "Cây thần Phù Tang" tại Lễ hội đèn lồng Quốc tế. |
Tác phẩm đèn lồng mang tên "Thần may mắn (Qilin)" của nghệ nhân Seo Deok Hwan (Hàn Quốc) lấy cảm hứng từ hình tượng Kỳ lân, vốn là một biểu tượng của sự may mắn trong tiềm thức văn hóa Á Đông. Điều làm nên sự đặc biệt của tác phẩm đến từ chất liệu. Thay vì khung sắt phủ vải hay giấy, 2 chú Kỳ lân này được tạo thành từ hàng nghìn vỏ lọ vaccine Covid-19 như một biểu trưng, lời khẳng định về sự mạnh mẽ vươn lên của con người sau đại dịch. |
Tác phẩm đèn lồng "Long Phượng Sum Vầy" (Đội thi Sắc Màu Cuộc Sống – Tuyên Quang) đạt giải Ba tại Cuộc thi với hình tượng của Rồng - Phượng. Rồng tượng trưng cho “Con Rồng cháu Tiên” biểu tượng nguồn gốc của người Việt. Hình ảnh Rồng mềm mại, với ánh mắt sáng rực và đầy sức sống, mang đến thông điệp may mắn và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Đối diện với Rồng là Phượng – biểu tượng trong tứ linh của người Việt, nổi bật với đôi cánh uyển chuyển và dáng vẻ thanh thoát, thể hiện sự cao quý và thanh tao. |
Các cụm đèn lồng được sắp xếp theo đủ hình tượng Tứ linh: Long - Lân - Quy - Phượng tại Lễ hội đèn lồng Quốc tế. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại