Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. |
Công văn nêu rõ, ngày 10-8-2021, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 1290/TTCP-C.IV thông báo điểm đánh giá công tác PCTN năm 2019. Theo đó, điểm đánh giá công tác PCTN năm 2019 của thành phố Hà Nội là 71,98/100 điểm.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại và tăng cường hiệu quả thực hiện công tác PCTN, UBND thành phố đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của trung ương, Thanh tra Chính phủ, của thành phố Hà Nội về công tác PCTN.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các kế hoạch của UBND thành phố về công tác PCTN năm 2021 và thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" và kế hoạch PCTN năm 2021 của cơ quan, đơn vị bảo đảm hiệu quả, thực chất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCTN trên các lĩnh vực; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tham nhũng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí.
UBND thành phố cũng đề nghị thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 Luật PCTN đối với các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.
Đồng thời, tăng cường công tác tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại địa bàn, đơn vị có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Công tác quản lý sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; đầu tư mua sắm tài sản công; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý trật tự xây dựng.
Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục trong các lĩnh vực gắn liền với quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Rà soát việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu về quản lý, không gây khó khăn, phiền hà, đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại