Thứ sáu 27/09/2024 18:27

Đẩy mạnh phát triển “Logistics thông minh”, tại sao không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội lớn mang lại, ngành logistics Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội và DN logistics phải nắm rõ để có giải pháp điều chỉnh phù hợp tình hình mới.

Năm 2018 đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận về việc ứng dụng công nghệ trong logistics, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng cục bộ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện có bốn mảng ứng dụng chính của các công nghệ mới. Xuất hiện nhiều nhất là các ứng dụng trong vận tải đường bộ thông qua tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, thời gian, lịch trình, nâng cao tỷ lệ khai thác. Sự nổi lên của các Cty như Uber hay Grab đã thể hiện rõ dấu hiệu của làn sóng mới này.

Tiếp đó, mảng nổi trội thứ hai là giải pháp tự động hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối. Hiện nay, trên thị trường đã có những ứng dụng đầu tiên của Lazada và đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều Cty lớn trong ngành. Thứ ba, một số Cty sản xuất lớn như Samsung cũng cho ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả. Cuối cùng, một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối.

day manh phat trien logistics thong minh tai sao khong
Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Là con số cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và cộng đồng kinh tế lớn.

Tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics” được tổ chức năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chi phí logistics cao đang là rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các DN và cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, để tháo gỡ rào cản sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, phải thay đổi tư duy trong quản lý ngành logistics để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, phải nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngành, giảm chi phí cho DN. Các DN logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ...

Theo các chuyên gia, hiện nay, công nghệ thông tin đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi DN. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 với các công nghệ ưu việt, mang tính đột phá về trí tuệ nhân tạo, rô bốt, không gian mạng, kết nối vạn vật, dịch vụ internet…. Từ đó tạo ra các kết quả điển hình của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được coi như “logistics thông minh” – “smart logistics” hay “logistics 4.0” tác động toàn diện tới con người, quy trình và công nghệ ứng dụng trong logistics và chuỗi cung ứng. Đây là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các DN cung cấp dịch vụ logistics, được xem như huyết mạch kết nối các thành phần của toàn bộ chuỗi dịch vụ logistics. Theo đó, giúp cải thiện tình hình kiểm soát và lên kế hoạch dễ dàng hơn 70,1%, nâng cao năng lực cạnh tranh của Cty 70,1%; giảm thiệt lỗi do con người gây ra 67%, giảm chi phí nhân lực trong quản lý là 61,9%; cải thiện quan hệ khách hàng là 60,8% và giảm thiểu chi phí là 57,7%.

Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động