Thứ bảy 23/11/2024 10:33

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe và những dấu ấn đặc biệt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Shinzo Abe giữ chức Thủ tướng Nhật Bản trong 4 nhiệm kỳ và được xem là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1982, khi ông được lựa chọn trợ lý Ngoại trưởng Nhật Bản. Ảnh: NHK
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1982, khi ông được lựa chọn trợ lý Ngoại trưởng Nhật Bản. Ảnh: NHK

Nhắc đến Shinzo Abe là nhắc đến vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản với chính sách Abenomics nổi tiếng. Theo CNN, một trong những dấu ấu nổi bật của cựu Thủ tướng Abe là việc thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và tạo bước đột phá trong chính sách quân sự của Nhật Bản trong vòng 70 năm.

Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất

Ông Abe Shinzo giữ chức Thủ tướng Nhật Bản 4 nhiệm kỳ, đồng thời là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) từ 2006-2007 và từ 2012-2020. Ông là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản và cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II.

Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình danh giá, có truyền thống hoạt động về chính trị. Cha của ông là Abe Shintaro, người từng giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản. Vào năm 1978, ông tốt nghiệp khoa luật tại trường Đại học Seikei ở Tokyo, 1 năm sau đó, ông hoàn thành chương trình Chính trị học của đại học Nam California (Mỹ).

Thực tế, sau khi tốt nghiệp, ông Abe vốn định làm một nhân viên văn phòng bình thường, và đã xin vào làm việc ở Công ty Thép Kobe vào năm 1979. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1982, khi ông được lựa chọn trợ lý Ngoại trưởng Nhật Bản.

Ông Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Nhật Bản vào năm 1993, khi mới 38 tuổi. Ông giữ một số vị trí trong nội các Nhật Bản trong suốt những năm 2000, và năm 2003 trở thành Tổng thư ký đảng LDP.

Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch đảng LDP, đồng thời trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Mặc dù vậy, một năm sau, ông từ chức vì lý do sức khỏe. Cuối năm 2012, ông trở lại chính trường và chính thức nắm quyền Thủ tướng lần thứ 2, với cam kết sẽ hồi sinh nền kinh tế Nhật bản sau 2 thập kỷ trì trệ, củng cố quân đội và sửa đổi Hiến pháp.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe và những dấu ấn đặc biệt
Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch đảng LDP, đồng thời trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Ảnh: CNN

Với những thành công trong việc định hình lại nước Nhật thời hiện đại và tạo ra nhiều di sản về kinh tế và đối ngoại, ông Abe tiếp tục giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 vào năm 2017, thứ 4 vào năm 2019.

Tới tháng 8/2020, ông Abe Shinzo có lần thứ 2 từ chức vì căn bệnh viêm đại tràng mạn tính. Ông chia sẻ, đã phải chung sống với căn bệnh này từ nhiệm kỳ đầu tiên, và tình trạng sức khỏe không cho phép ông tiếp tục làm Thủ tướng nữa.

Trong giai đoạn nắm quyền, nhất là giai đoạn sau năm 2012, ông Abe đã đưa Nhật Bản phục hồi sau trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân tàn khốc, khôi phục đất nước trở lại tình trạng kinh tế rực rỡ.

Vào năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Abe đã thông qua kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản, theo đó cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai. Theo ông Abe, sự thay đổi này là cần thiết để đáp ứng với một môi trường an ninh thách thức hơn.

Chính sách "Abenomics"

Khi ông Abe đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang khó khăn về kinh tế sau nhiều năm trì trệ. Ông nhanh chóng thực hiện một cuộc đại thử nghiệm kinh tế mang tên Abenomics, với 3 mũi tên chính là gói nới lóng tiền tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Và dù kể từ cuối năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới có dấu hiệu chững lại, song vẫn không thể phủ nhận những thành tựu khởi nguồn từ chính sách này.

Dấu ấn đối ngoại

Trên mặt trận ngoại giao, ông Abe cũng đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Ông đã thúc đẩy được mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với cựu Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc gặp "không chính thức" với Tổng thống Trump vào năm 2016, ông Abe ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật và nói rằng ông muốn "xây dựng lòng tin" với nhà lãnh đạo mới của Washington.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe và những dấu ấn đặc biệt
Cựu Thủ tướng Abe và Tổng thống Donald Trump tại lễ đón ở Cung điện Akasaka, ngày 6/11/2017. Ảnh: CNN

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và tổ chức cuộc điện đàm lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018. Đồng thời, cựu Thủ tướng Abe đã nỗ lực hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách đoàn kết các đồng minh ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc lại bị suy thoái trong giai đoạn ông Abe điều hành đất nước do hàng loạt tranh chấp lãnh thổ và bất đồng ngoại giao.

Bên cạnh đó, ông còn có công giúp Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Mặc dù vậy, sự kiện thể thao được nhiều người mong đợi cuối cùng đã phải hoãn sang năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Shinzo Abe - “Người khổng lồ” rời bỏ chính trường Nhật Bản
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã qua đời trong bệnh viện
Việt Nam chia buồn vì sự ra đi của cựu Thủ tướng Nhật Bản A-bê Sin-dô
Abe Shinzo - vị Thủ tướng yêu Việt Nam từ đáy lòng
Nguyễn Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động