Còn vướng mắc khi sử dụng VNeID
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ ngày 22/4, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã triển khai thí điểm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID cho các trường hợp công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: Khánh Huy |
Còn một số khó khăn
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tập trung triển khai thành công Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, nguồn nhân lực, kinh phí. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1/7/2024.
Chỉ thị 16 nêu rõ, qua kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng DN, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC như: một số quy định, TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian; TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau còn phức tạp; việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho DN, người dân còn hạn chế; tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính. Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực được giao, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản…
Tại cuộc họp Tổ công tác về cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ thống nhất sử dụng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024, đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 12 tiện ích trên VNeID, với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích VNeID hàng ngày. Một số tiện ích đã mang lại giá trị, như triển khai Lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Huế bắt đầu từ ngày 22/4, hàng năm giúp tiết kiệm cho người dân, xã hội 637 tỷ đồng; tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành, dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, vướng mắc như chưa quy định rõ các tiện ích của ứng dụng định danh Quốc gia, chưa có sự đồng nhất giữa mã định danh điện tử của tổ chức và mã số thuế, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử chưa bổ sung yếu tố xác thực theo quy định của Luật Căn cước như sinh trắc giọng nói, mống mắt.
Những ví dụ cụ thể
Đối với người dân, qua khảo sát, còn khá nhiều vướng mắc cần được xử lý trước thời điểm ngày 1/7. Ví dụ, mới đây, một thí sinh đã không được dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức vì bị mất CCCD. Hội đồng thi không chấp nhận cho thí sinh sử dụng thông tin qua VNeID. Theo em học sinh cho biết, trước kỳ thi, em bị mất CCCD và đã đến Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội CA quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) để làm lại vào ngày 7/5. Thời gian hẹn trả CCCD làm lại vào ngày 11/6. Trong khi, ngày 2/6, em sẽ dự thi kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Em học sinh này cũng được nhiều người tư vấn sử dụng xác nhận thông tin cá nhân qua VNeID (ứng dụng định danh điện tử)… do Bộ Công an phát triển bởi theo quy định tài khoản VNeID đã được định danh cấp độ 2 được thực hiện các giao dịch thay CCCD. Nhưng đến ngày thi, khi em trình bày với cụm thi và không được chấp nhận. Vậy là em mất một cơ hội tranh suất vào đại học sớm.
Đại diện của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, cụm thi đánh giá năng lực tại cơ sở 2 - Trường Đại học Ngoại thương tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện theo đúng quy chế thi. Thí sinh phải có bản chính CCCD/CMND/hộ chiếu mới đủ điều kiện dự thi. Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức trên diện rộng, cần tuân thủ nghiêm các quy định. Việc xác minh các giấy tờ không phải là chuyên môn của cán bộ coi thi. Các giấy tờ này được kiểm tra trong suốt quá trình thi để đảm bảo phòng chống việc thi hộ, thi kèm do đó không thể sử dụng VNeID trên điện thoại. Đây là tình huống đáng tiếc đặt ra tính pháp lý và cách xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhưng cũng không ảnh hưởng tới tính minh bạch của kỳ thi.
Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022. Khoản 12, Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP nêu rõ, tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số căn CCCD gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập. Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức. Trong đó, tài khoản mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng CCCD trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD. Ngoài ra, tài khoản mức 2 cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.
Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: số CCCD; họ và tên; ngày sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; CCCD có giá trị đến; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp, số điện thoại. Từ thời điểm trên, người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để chứng minh nhân thân, giao dịch các TTHC thay CCCD gắn chip. Một ví dụ nữa về sự vướng mắc, từ tháng 6/2022, người dân có thể chủ động đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng mà không đến cơ quan xuất nhập cảnh để xếp hàng nộp tờ khai, chụp ảnh. Tất cả có thể thực hiện qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an. Điều kiện là có CCCD gắn chip hoặc CCCD 12 số còn giá trị và lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại