Con dâu đánh mẹ chồng gãy xương sườn sẽ đối diện hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐánh mẹ chồng gãy hai xương sườn
Ngày 7/8, CA phường Thống Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đang triệu tập lấy lời khai đối với Nguyễn Thị Kim Minh, 47 tuổi, trú tại phường Thống Nhất để làm rõ hành vi đánh mẹ chồng gãy hai xương sườn.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 31/7, sau khi đi nhậu về, Minh qua nhà mẹ chồng ở kế bên là bà LTH, 70 tuổi. Tại đây, do có mâu thuẫn từ trước nên Minh và mẹ chồng xảy ra lời qua tiếng lại. Sẵn có men rượu trong người, Minh đã lao vào dùng hai tay đánh, cào cấu và mặt vào cổ bà H.
Bà Ngyễn Thị Kim Minh tại CQCA |
Chưa dừng lại, Minh tiếp tục xô ngã bà H. xuống giường rồi ngồi đè lên người và dùng hai tay cào cấu vào mặt, cổ, dùng hai chân kẹp chặt vào hai mạn sườn bà H.. Khoảng 20 phút sau, Minh thả bà Hương ra rồi đi về nhà ngủ.
Đến sáng hôm sau, con của bà H. phát hiện mẹ mình bị chảy máu, sưng tấy vùng mặt, cổ và trên người nên đã đưa đến bệnh viện thăm khám. Kết quả chụp phim, bà H. bị gãy hai xương sườn số 6 và số 7 bên trái. Hiện CA phường Thống Nhất đang hoàn tất hồ sơ để chuyển CQ CSĐT CA TP Buôn Ma Thuột xử lý theo thẩm quyền.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Khoản 2 Điều 70, Luật hôn nhân và gia đình quy định, con cái “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.”.
Khoản 2 Điều 71, Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”.
"Có thể nói nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà đây còn là trách nhiệm pháp lý. Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thái nói.
Chế tài nào xử lý?
Luật sư Thái phân tích, pháp luật quy định, con dâu và bố mẹ chồng có quyền và nghĩa vụ với nhau tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Trong trường hợp con dâu sống chung với cha mẹ chồng thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này. Như vậy có thể thấy rằng con dâu là thành viên trong gia đình, họ cũng có quyền và nghĩa vụ với nhau tương tự quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con.
Theo quy định về quyền và nghĩa vụ giữa con dâu, con rể và cha mẹ chồng, cha mẹ vợ chỉ phát sinh trong trường hợp họ có sống chung với nhau vì khi sống chung thì sẽ ràng buộc những điều kiện kinh tế, sinh hoạt… Phạm vi quyền và nghĩa vụ của con dâu hạn chế hơn so với quan hệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Tuy nhiên, hành vi đánh đập mẹ chồng là hành vi mà cả góc độ pháp luật lẫn đạo đức đều cần lên án.
Bởi vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi đối xử tàn ác, đánh đập, hành hung người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (như ông bà, cha mẹ, con cái...) là hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo quy định tại Điều 185 BLHS năm 2015.
Theo đó, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, BLHS luôn có chế tài để bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng khi những người khác có hành vi bạo lực, xâm hại đến thân thể của họ.
"Hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm đến thân thể của bố mẹ là “người già yếu” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 185 BLHS năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 2 - 5 năm", luật sư Thái phân tích.
Trường hợp hành hạ, đánh đập ông bà, cha mẹ mình mà đến mức gây thương tích hoặc thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người” với mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại