Chứng khoán ngày 11/7: VN-Index suy yếu trong phiên chiều
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVN-Index suy yếu trong phiên chiều. |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng - nhóm liên quan trực tiếp tới việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lên 14% lại không thể hiện được sự bứt phá. Các mã vẫn tỏ ra yếu ớt, ngoại trừ CTG, MBB, VCB tăng khá, các mã còn lại hầu như chỉ tròn vai trên mốc tham chiếu.
Sau giờ nghỉ trưa, thị trường chịu áp lực chốt lời ngay đầu phiên khi lượng hàng T+2.5 về tới tài khoản của nhà đầu tư, áp lực bán ở hầu hết các nhóm ngành đã đè chỉ số có lúc lùi về sát mốc tham chiếu.
Lúc này, sự hy vọng dồn vào nhóm ngành ngân hàng khi vài mã đã lấy lại đà tăng như MBB, CTG, HDM, STB…, và sự lan toả sang các nhóm ngành khác đã giúp chỉ số hồi phục khá tốt.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thực phẩm được đà thể hiện khi bộ đôi DBC - HAG nhịp nhàng kéo giá, từng bước giá với khối lượng lớn được mua chóng vánh và DBC đã khớp giá trần ngay sau đó. Song song đó, lệnh mua ở HAG được đẩy mạnh và giúp HAG “gỡ hoà” với DBC tại mốc giá trần. Tuy nhiên, sự toả sáng của HAG - DBC và nhóm nông nghiệp không giúp được thị trường duy trì được đà tăng mạnh.
Sự kỳ vọng của nhóm ngân hàng đã không được đáp ứng, thậm chí chính nhóm này với nhiều mã bị bán mạnh và tuột khỏi mốc tham chiếu đã khiến chỉ số VN-Index trùng xuống rất nhanh. Các nhóm chính như chứng khoán, đầu tư công, bất động sản hay sắt thép cũng không nằm ngoái xu thế, thậm chí nếu không có trợ lực của VCB, MSN, VNM, có lẽ chỉ số đã khó tránh khỏi phiên giảm điểm.
Trước đó, phiên sáng ghi nhận nhóm cổ phiếu xây dựng tăng tốt nhất với CTD dẫn đầu tăng hơn 4% đạt mốc 78.000 đồng/cổ phiếu, tiếp theo là BCG, CII, HUT, TCD cùng tăng trên 4%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán với HCM, SSI, VND giữ nhịp tăng. Các nhóm cổ phiếu khác như đầu tư công, sắt thép, vật liệu xây dựng… đồng pha tăng nhẹ.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,24%) dừng tại 1.151,77 điểm. HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,37%) lên 229,22 điểm. UPCOM-Index tăng 0,59 điểm (+0,69%) đạt 85,82 điểm.
Khối cố phiếu có vốn hóa lớn VN30 kết phiên khá phân hóa giữa hai bên tăng giảm, với 16 mã tăng giá, 2 mã tham chiếu và 12 mã giảm giá. Trong đó, HPG, BID và VPB tiêu cực nhất thị trường thì CTG, MBB và MSN nỗ lực hồi điểm lại cho chỉ số.
Tại các nhóm ngành tình trạng phân hóa hiện diện rõ nét, điển hình tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù có đến 14/20 mã tăng giá nhưng chỉ số nhóm chỉ nhích nhẹ trên tham chiếu 0,35%. Trong khi, BID -0,85%, VPB -0,75%, TCB -0,16% và LPB -0,61%, với mức giảm không đáng kể, thì nổi bật có CTG +2,02%, MBB +2,17%, HDB +1,36%, MSB +1,96%,...
Nhóm bất động sản tương tự, nhóm kết phiên có đến 38 mã giảm giá nhưng với 24 mã tăng giá đã kéo nhóm dừng trên tham chiếu. Vì nhìn chung mức độ dao động không lớn như tại VHM +0,19%, VRE +1,3%, BCM +0,62%, NLG +1,25%, SJS +3,81%, TCH +1,17%, CTD +3,07%, KHG +1,6%,... Ở chiều ngược lại, NVL -1,34%, DIG -1,4%, VCG -1,13%, DXG -1,32%, DXS -2,77%, CRE -1,73%, AGG -1,45%,...
Tại nhóm các công ty chứng khoán đan xen tăng giảm, trong khi SSI +2%, VND +0,85%, HCM +0,5%, TVS +1,33% thì VCI -0,72%, BSI -1,09%, FTS -0,48%, VIX -0,43%, CTS -0,66%,... trạng thái này cũng xảy ra ở nhóm sản xuất khi, HPG -1,44%, DGC -1,77%, DHG -0,74%, DCM -0,9%, VHC -2,91%, PHR -0,39%, HT1 -2,62%. Trái lại, VNM +0,97%, MSN +1,67%, GVR +1,18%, DBC +5,76%, ACG +1,53%,...
Cổ phiếu năng lượng và hàng không khá trầm lắng với GAS -0,31%, PLX -1,32% nhưng POW +0,38% và PGV +2,19%; VJC đứng giá tham chiếu trong khi HVN giảm 0,75%. Bán lẻ là nhóm hiếm hỏi tăng trưởng đồng đều. Theo đó, MWG +2,2%, PNJ +1,09% và FRT +1,72%,...
Toàn sàn HoSE có 236 mã tăng giá, 53 mã đứng giá tham chiếu và 197 mã giảm giá. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tương ứng có hơn gần 937 triệu đơn vị cổ phiếu sang tay trong phiên.
Ngoài ra, khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng thêm 62 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng với giá trị xấp xỉ 126 tỷ đồng. Tâm điểm bán rơi vào VCB với giá trị 84 tỷ đồng; theo sau VRE -82 tỷ đồng, VCI -55 tỷ đồng,...
Ngược lại, SSI được mua ròng mạnh nhất với giá trị 208 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CTG xếp tiếp 49 tỷ đồng. Ngoài ra, khối này cũng mua ròng KBC với giá trị là 41 tỷ đồng.
Chứng khoán ngày 7/7: Sắc xanh lan tỏa ra nhiều nhóm ngành | |
Chứng khoán ngày 10/7: Sắc xanh lan tỏa phiên đầu tuần |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại