Thứ tư 03/07/2024 01:53

Chữa bệnh theo kinh nghiệm trên internet: Các mẹ đang mang con ra làm thí nghiệm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là cảnh báo của TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam về tình trạng nhiều bà mẹ tự chữa bệnh cho con bằng cách lên các diễn đàn trên internet để tham khảo kinh nghiệm và chữa theo “phác đồ điều trị” của những thành viên trong nhóm.  

Theo TS. Trương Hồng Sơn, việc các mẹ vào web tham khảo kinh nghiệm chữa bệnh cho con là rất nguy hiểm vì mỗi cơ thể con người khác nhau nên không thể áp dụng chung một loại thuốc. Từng ấy tuổi nhưng mỗi trẻ thể lực khác nhau, đáp ứng khác nhau, khi khám có nhìn, sờ, nghe, gõ, soi, chiếu chụp. Nếu chỉ nghe kể qua triệu chứng mà đã áp dụng thuốc ngay là hoàn toàn không đúng.

TS. Sơn dẫn chứng, ví dụ 1 đứa trẻ chảy nước mũi, ho, sốt có thể xảy ra nhiều nguy cơ do nhiễm trùng hoặc do virus. Nếu các bà mẹ chỉ khai con sốt, thấy triệu chứng này hỏi uống thuốc gì mà được tư vấn ngay chưa chắc đã đúng vì không có gì khẳng định con bệnh giống nhau.

“Đứa trẻ nhiễm trùng mũi xanh thì dùng kháng sinh, điều này có hiệu quả những tỷ lệ trẻ sốt do nhiễm trùng chiếm 30%; còn trẻ bị sốt virus (chiếm 70%) dùng kháng sinh không những không có tác dụng mà còn làm nhờn thuốc, kháng kháng sinh, chậm lớn. Sự yêu thương không đúng cách của cha mẹ như vậy lại gây hại cho con, vì sự lười đến bác sỹ của mình”, TS. Sơn phân tích.

chua benh theo kinh nghiem tren internet cac me dang mang con ra lam thi nghiem
Theo TS.Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Mọi người chỉ nên tham khảo thông tin về chăm sóc trên internet chứ không đi sâu vào điều trị. Ảnh: BSCC

Các bà mẹ quan tâm đến con nhưng chưa đúng cách, đang mang con ra làm thí nghiệm vì uống cái này không khỏi lại lên mạng hỏi các mẹ khác và được “chỉ định” thuốc khác. Như vậy là không được!. Bác sỹ cũng có thể khám mò nhưng vẫn có theo dõi quá trình uống thuốc và có điều chỉnh kịp thời. Các mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc mà nên cho con đi đến cơ sở y tế.

Tuy nhiên, TS. Sơn cũng nhấn mạnh, vấn đề không phải cứ sốt là cho đi khám mà cha mẹ cần có kiến thức cơ bản để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho con. Ví như nếu trẻ sốt thì theo dõi, cho uống hạ sốt, rửa mũi… Và để có được những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần vào những trang web chuyên ngành y khoa.

Theo TS. Sơn, trên internet các thông tin sức khỏe không nên đi vào vấn đề điều trị vì đó là vấn đề của bác sỹ. Khi tham khảo thông tin trên internet thì mọi người nên tham khảo dấu hiệu bị bệnh, triệu chứng, gây nguy hiểm gì, chăm sóc ở nhà như thế nào với các bệnh, khi nào cần đến BV.

Ví dụ trẻ sốt bà mẹ cần biết sốt cao như thế nào, theo dõi nhiệt độ ra sao, cặp nhiệt độ ở đâu, giờ nào, thế nào là nguy hiểm, khi sốt uống gì… nhưng đừng đi xa hơn, đừng xem điều trị cả những điều trị chuyên biệt. Mọi người chăm sóc cho bản thân mình qua internet chứ đừng biến thành “bác sỹ google”.

Còn khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, mũi xanh thì nên đưa con đi khám. Đặc biệt, nên chọn những cơ sở y tế có đầy đủ năng lực điều trị cho trẻ em, tránh những đơn vị không có pháp nhân. Từ kinh nghiệm của mình nên chọn những bác sỹ có tâm vì trong ngành cũng cho thấy nhiều bác sỹ lạm dụng thuốc, dùng nhiều, dùng kháng sinh mạnh. Làm thế vì bà mẹ có cảm giác khám con khỏi luôn nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài khiến trẻ bị chậm tăng trưởng xương, kháng kháng sinh…, TS. Sơn khuyến cáo.

Vì vậy, các bà mẹ, người dân muốn tìm hiểu thông tin y học, tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe thì vào một số trang web chuyên ngành. Khi có kiến thức đầy đủ, mọi người sẽ chủ động trong chăm sóc sức khỏe của trẻ nói riêng và của bản thân, gia đình nói chúng.

“Chúng tôi đã thành lập trang web y học ứng dụng hoạt động phi lợi nhuận, không quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào. Các bài viết đều do bác sỹ, chuyên gia thực hiện. Chúng tôi cố gắng lựa chọn các thông tin để người dân có thể hiểu, áp dụng được, tập trung cung cấp kiến thức chăm sóc người bệnh, hướng đến cộng đồng”, TS. Sơn cho biết.

Chia sẻ về việc tham khảo thông tin y khoa trên website, TS. Sơn cho biết, ở Việt Nam, các website về sức khỏe chưa có giá trị vì chủ yếu người đọc sẽ đọc ở những trang mang tính phổ thông, có nhiều chuyên mục. Tuy nhiên, những trang này nguồn không được chuyên gia kiểm chứng, cùng đó một số trang có tính chất câu view, giật gân, đưa từ những nguồn không chính thống, giá trị các thông tin không được thẩm định.
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động