Chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm nam thanh niên cởi trần cầm biển quảng cáo chụp ảnh trên tàu điện đang gây phản ứng mạnh |
Hành vi gây phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục
Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tạo dáng, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm. Nhóm thanh niên này mang theo banner quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng, sử dụng riêng một khoang tàu, đứng chắn lối đi lại của các hành khách khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên trên còn cosplay trang phục ông già Noel - hình ảnh vốn dĩ ấm áp, trong sáng - để gây sự chú ý. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người bày tỏ bức xúc cho rằng hành vi trên phản cảm, “quảng cáo bẩn”, đặc biệt lại diễn ra tại nơi công cộng.
Phân tích vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, các DN sử dụng chiêu trò quảng cáo như trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, cụ thể ở đây là quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam - là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Theo đó, khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt vi pham hành chính, mức phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng.
Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, xét về mặt thủ tục, theo luật sư Thái, quy định tại Điều 36 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo nêu trên là thuộc trường hợp “đoàn người quảng cáo”, phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương như: nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực hiện quảng cáo, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo.
Như vậy, trong trường hợp này, cần phải xem xét về việc đơn vị tổ chức hoạt động quảng cáo nêu trên đã thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định hay chưa? Trường hợp đơn vị tổ chức quảng cáo không thực hiện thông báo hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo chấp thuận sau khi thông báo nội dung quảng cáo nhưng vẫn cố tình thực hiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 46 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Mức phạt chưa đủ sức răn đe
Theo luật sư Thái, tình trạng các DN thuê người chụp ảnh quảng cáo, sử dụng các hình ảnh, video phản cảm, “giật gân” để quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp diễn ra khá phổ biến và mặc dù rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt, nhưng các trường hợp tương tự vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Để xảy ra tình trạng này, luật sư Thái phân tích, nguyên nhân chủ yếu do Luật Quảng cáo và đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo còn khá chung chung, chưa dự liệu một cách bao quát đến nhiều hành vi vi phạm có thể phát sinh trong thực tiễn, chưa có chế tài đối với các chủ thể là những cá nhân được thuê để chụp ảnh, quay clip phản cảm (vụ việc “quảng cáo nệm” trên là một minh chứng điển hình). Do vậy trong trường hợp có hành vi rõ ràng là không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng cũng không có cơ sở để xử lý.
Bên cạnh đó, mặc dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề tồn tại. Bởi lẽ, xét về tổng thể, quy định về việc xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo của Nghị định 38/2021/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa kế thừa Nghị định số 158; về mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có những sự điều chỉnh, tuy nhiên không có sự thay đổi quá lớn.
“Như nội dung đã phân tích, mức xử phạt đối với hành vi trên được áp dụng với chủ thể là DN, mức phạt dao động trong khung từ 40 đến 60 triệu đồng (trước đây là 30 đến 40 triệu đồng). Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này cũng chỉ dừng lại ở biện pháp là buộc xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm. Từ các quy định này, chúng ta cũng không có cơ sở đánh giá mức phạt như vậy là quá nhẹ hay là đã đủ sức răn đe hay chưa, song so với việc bỏ ra số tiền chịu phạt từ 40 đến 60 triệu đồng thì có lẽ, lợi ích mà DN nhận được là lớn hơn”, luật sư Thái phân tích.
Cùng với chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế, luật sư Thái cho rằng, nguyên nhân chính là xuất phát từ ý thức của mỗi DN, nhiều trường hợp họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt khi sử dụng các “chiêu trò”. Họ chấp nhận chịu phạt để được “đánh bóng tên tuổi”, “quảng bá” sản phẩm, thương hiệu công ty, dù bị dư luận nhìn nhận ở góc độ tích cực hay tiêu cực thì ít nhiều “hình ảnh” của DN cũng được biết đến rộng khắp.
Liên quan vụ Nhóm thanh niên cởi trần trên tàu điện để quảng cáo sản phẩm, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, đơn vị đã nắm được vụ việc trên và sẽ thanh tra, xử lý theo quy định, sau đó sẽ thông tin rộng rãi cho dư luận nắm bắt. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại