Thứ ba 30/04/2024 05:50

"Chế" hồ sơ giải ngân để "nẫng" hàng chục tỷ đồng của ngân hàng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 9-12, HĐXX của TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử Thạch Tuấn Anh, SN 1972, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Thạch Tuấn Anh vốn là GĐ Cty TNHH Sản xuất & thương mại Vĩnh Xuân (Cty Vĩnh Xuân). Giúp sức cho Tuấn còn có: Bành Đức Thắng, SN 1982, trú tại quận Long Biên, Hà Nội; Nguyễn Mạnh Hải, SN 1978, cựu Tổng GĐ Cty CP Dịch vụ bảo vệ 14/7 và Lê Anh Quang, SN 1977, cựu GĐ Cty TNHH Xúc tiến đầu tư thương mại A&A.

Cơ quan tố tụng làm rõ, quá trình kinh doanh thép, từ năm 2008- 2012, Thạch Tuấn Anh và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Thăng Long (PGBank Thăng Long) ký 5 hợp đồng cấp tín dụng hạn mức ngắn hạn. Khi đó, Cty Vĩnh Xuân lâm vào tình trạng thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Để có tiền trả nợ và duy trì kinh doanh, Tuấn Anh đã gặp ông Lương Duy Huỳnh, GĐ PGBank Thăng Long, đề nghị tiếp tục cấp hạn mức cho Cty Vĩnh Xuân. Từ ủy quyền của Tổng GĐ PGBank, trong các ngày 18-7-2011 và 21-8-2012, ông Lương Duy Huỳnh đã ký 2 hợp đồng cấp vốn ngắn hạn cho Cty Vĩnh Xuân.

che ho so giai ngan de nang hang chuc ty dong cua ngan hang

Các bị cáo trong vụ án

Để được giải ngân theo các hợp đồng cấp vốn ký kết, Tuấn Anh đã nhờ một số đối tượng thân quen ký các hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn GTGT khống đối với Cty Vĩnh Xuân; ký hợp đồng thuê bảo vệ kho hàng giả tạo và nhờ Nguyễn Mạnh Hải ký xác nhận vào biên bản kiểm kê hàng hóa để hợp thức hồ sơ vay tiền. Thực tế, Cty Vĩnh Xuân không mua bán hàng hóa nhưng Tuấn Anh vẫn chỉ đạo Bành Đức Thắng (kế toán Cty Vĩnh Xuân) liên hệ với người đại diện theo pháp luật của nhiều DN để nhận các hợp đồng mua bán hàng hóa cùng hóa đơn GTGT khống, "vẽ ra" phương án kinh doanh, tờ trình giải ngân, khế ước nhận nợ, hợp đồng thuê mướn bảo vệ kho hàng và biên bản kiểm kê hàng hóa…

Sau khi có trong tay hồ sơ giải ngân khống, Tuấn Anh chuyển cho nhân viên quan hệ khách hàng của PGBank Thăng Long để trình lãnh đạo ký lệnh chuyển tiền theo các hợp đồng mua bán hàng hóa giả tạo. CQĐT làm rõ, Thạch Tuấn Anh cùng đồng phạm đã qua mặt ngân hàng, "nẫng" hơn 52 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán nhưng Cty Vĩnh Xuân mới trả được hơn 13,6 tỷ đồng, ngân hàng bán tài sản bảo đảm thu được một phần và Tuấn Anh còn chiếm đoạt hơn 22,3 tỷ đồng.

Trong vụ án này, CQĐT xác định Thắng đã lập khống với 23 biên bản kiểm kê hàng gửi kho và đến các Cty để nhận hợp đồng, hóa đơn GTGT “khống”, tương ứng với số tiền lừa đảo chiếm đoạt gần 22,4 tỷ đồng. Quang ký 2 hợp đồng mua bán thép khống và xuất 2 hóa đơn GTGT tương ứng, giúp sức cho Tuấn Anh chiếm đoạt 7,5 tỷ đồng của PGBank Thăng Long. Hải thì ký xác nhận khống vào 23 biên bản kiểm kê hàng hóa đối với Cty Vĩnh Xuân.

Cũng theo tài liệu truy tố, các ông Lương Duy Huỳnh (nguyên GĐ), Nghiêm Đức Toàn (Phó GĐ), Tô Quang Tuyển (nguyên Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng), đều thuộc PGBank Thăng Long là những người đề xuất và ký giải ngân cho Cty Vĩnh Xuân vay vốn, dẫn đến hơn 22,3 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Những người nêu trên đã vi phạm quy định tại Quyết định số 0154-08/QĐ-TGĐ của Tổng GĐ PGBank về cấp tín dụng. Tuy nhiên, theo CQĐT chưa có tài liệu thể hiện những người này biết Cty Vĩnh Xuân không có tài sản thế chấp, biết các hồ sơ vay vốn là lập khống. Do đó, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

Nhưng phiên xử này chưa thể ra phán quyết với các bị cáo vì tổ chức tín dụng liên quan xuất trình tài liệu mới tại tòa. Trước đó, tòa từng trả hồ sơ vụ án này để yêu cầu xem xét trách nhiệm một số cán bộ ngân hàng nhưng kết quả điều tra bổ sung vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ xử lý hình sự đối với Thạch Tuấn Anh cùng các bị cáo.

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động