Thứ bảy 18/05/2024 13:52

Cắt giảm thủ tục hành chính phải đi kèm với kiểm soát để không phát sinh thủ tục mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) – “Cần phân cấp mạnh mẽ nhiều hơn cho cấp Sở, thay vì Bộ “ôm” nhiều giấy phép như hiện nay”, bà Hồng Trinh - Chánh văn phòng Ban Kinh tế Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam đề nghị.

Sáng 25-9, Bộ Công Thương và Dự án lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD) đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến tổ chức cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công thương.

Hiện, Bộ Công Thương và các ngành Công Thương ở các địa phương đang quản lý 28/243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính) và 1.216 điều kiện kinh doanh của 27 ngành nghề.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương xác định vấn đề quan trọng không phải là số lượng thủ tục ít hay nhiều, mà các quy định đó có hợp lý không, có cần thiết phải duy trì không và nếu duy trì là cần thiết thì thủ tục để thực hiện các quy định quản lý đó đã đủ công khai, minh bạch, đã được đơn giản hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa hay chưa.

Năm 2017, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục thuộc 17 lĩnh vực quản lý của ngành tại 40 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 9 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng, 02 thông tư liên tịch và 20 thông tư). Đến nay, chỉ tính riêng số thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ Công Thương đã đơn giản hóa được 56 thủ tục/452 thủ tục và sẽ được hoàn thành 100% vào cuối năm 2017.

“Việc đơn giản hóa và bãi bỏ các TTHC đều được thực hiện trên 4 tiêu chí là đơn giản, minh bạch, hiện đại và chuẩn hóa”, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết thêm. Từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu nâng số dịch vụ công trực tuyến từ 155 dịch vụ lên 177 dịch vụ mức độ 3,4; chiếm hơn 9% tổng số thủ tục hiện có.

IMG_4037

Ông Đoàn Trọng Thà đề nghị khẩn trương sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP

Ông Đoàn Trọng Thà, Hiệp hội gas Việt Nam cho biết, việc giảm thiểu điều kiện kinh doanh theo Quyết định 3619 của Bộ Công Thương là mong đợi của DN. Tuy nhiên, ông Thà cho rằng, các thủ tục liên quan đến kinh doanh khí hóa lỏng và gas trước đây đã nhiều, nhưng sau khi điều chỉnh thêm hai mặt hàng khí thiên nhiên nén và khí thiên nhiên hóa lỏng thì các giấy chứng nhận đủ điều kiện còn tăng thêm gấp ba lần. Ông Thà đề nghị các điều kiện về liên quan đến cháy nổ với an toàn mới nên đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP, còn các yêu cầu về số lượng chai, bình gas lớn nhỏ không nên quy định vì không ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng. “Cần nhanh chóng sửa Nghị định 19/2016/NĐ-CP vì hiện DN vẫn phải làm thủ tục để kinh doanh theo nghị định này, làm xong đã tốn kém rồi lại phải sửa theo quy định mới nữa thì rất mệt mỏi”, ông Thà nói.

“Cần phân cấp mạnh mẽ nhiều hơn cho cấp Sở, thay vì Bộ “ôm” nhiều giấy phép như hiện nay” là ý kiến của bà Hồng Trinh - Chánh văn phòng Ban Kinh tế Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Đồng thời, bà Trinh đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin; rà soát bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo qui mô DN, quy định chứng nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn… để tạo thuận lợi cho DN.

Ông Nguyễn Sinh Thành, Tổng công ty viễn thông Viettel cho rằng, giảm TTHC không đơn thuần chỉ là cắt giảm bớt thủ tục mà còn là kiểm soát để không phát sinh mới. Theo ông Thành, cần xem xét các đầu mối giải quyết TTHC, bởi nếu nhiều nơi giải quyết và mỗi nơi đều thực hiện “một cửa” thì bản chất đấy không còn là “một cửa” nữa. Ông Thành dẫn ví dụ với nội dung báo cáo về chương trình thực hiện khuyến mại may rủi, sau khi DN thực hiện xong trước đây DN chỉ phải báo cáo Bộ Công Thương, nay lại quy định phải báo cáo cả Sở Công Thương.

Cũng theo ông Thành, có những loại giấy tờ có thể đơn giản cho DN nếu cơ quan quản lý có thể trích xuất, công nhận thông tin lẫn nhau. Ví dụ trong quan lý website thương mại điện tử, để có thông tin về giấy đăng ký kinh doanh, chỉ cung cấp mã số doanh nghiệp, hay giấy chứng nhận tên miền cũng chỉ cần truy xuất trên các Cổng thông tin là có, thay bằng buộc DN phải nộp đi nộp lại bản sao giấy các chứng nhận này như hiện nay…

Ông Đinh Việt Thanh, Trưởng ban pháp chế, Tổng công ty May 10 phản ánh, thủ tục cấp C/O với một số mặt hàng hiện do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, vậy có đúng quy định không, vì VCCI không phải là cơ quan quản lý nhà nước? Nếu việc thực hiện các thủ tục này là do VCCI được ủy quyền thì có thể ủy quyền cho Hiệp hội dệt may được không? “Có những dịch vụ, thủ tục nhà nước không cần “ôm”, mà nên xã hội hóa, để cho DN thực hiện, cơ quan quản lý chỉ cần thẩm định để “gút” lại thôi”, ông Thanh nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương lý giải, một số thủ tục cấp C/O hiện do VCCI thực hiện theo ủy quyền của Bộ Công Thương với quan điểm để đại diện cộng đồng DN cấp sẽ thuận lợi hơn cho DN. Ông Tân cho biết sẽ phản ánh lại với lãnh đạo Bộ về kiến nghị của DN, vì trách nhiệm quản lý vẫn là của Bộ Công Thương.

Cũng theo ông Tân, Bộ Công Thương thực hiện rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo tư duy quản lý mới, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nên sắp tới sẽ phân cấp mạnh mẽ không chỉ về cấp các loại giấy phép mà còn phân cấp trách nhiệm giám sát, theo dõi địa bàn để nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương.

Phương Thảo / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động