Bỏ quy định Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên thứ 46, diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-7.
Sau phiên khai mạc, UBTVQH đã nghe báo cáo, xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Đáng chú ý, về ý kiến đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ nếu giải trình không thuyết phục; có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về việc điều chỉnh mức đóng theo từng thời kỳ; có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ mức trần, mức phí, hiện dự thảo Luật đang giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nhưng không có nguyên tắc.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, doanh nghiệp dịch vụ đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình từ tìm kiếm thị trường, đối tác, đàm phán hợp đồng, tuyển chọn, bổ túc nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, hỗ trợ các thủ tục xuất, nhập cảnh… và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật của Việt Nam cũng như nước tiếp nhận.
Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (ảnh Quốc hội) |
Do đó, việc phải chi phí để thực hiện các hoạt động là cần thiết nhưng phải đảm bảo việc thu tiền dịch vụ của người lao động một các hợp lý, minh bạch, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan. Hiện nay, dự thảo Luật đã quy định doanh nghiệp dịch vụ không được thu tiền môi giới, bổ sung một số điều kiện nhằm kiểm soát và có sự giám sát, quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và nguyên tắc “tuân thủ quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động” vì nhiều nước tiếp nhận quy định không cho phép thu phí của người lao động.
Đồng thời, với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp, cũng như cơ chế hợp tác, liên kết trong việc chuẩn bị nguồn lao động, với chủ trương gắn kết giữa đào tạo nghề với việc cung ứng, tiếp nhận lao động sau đào tạo nghề sẽ giảm chi phí dịch vụ cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch trong thu, chi, sử dụng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ Quỹ ngoài ngân sách nhưng lại là đơn vị sự nghiệp công lập, làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ. Một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ này.
Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, đây là lĩnh vực rất đặc thù nên Quốc hội đã đồng ý quy định về Quỹ khi ban hành Luật năm 2006 nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp dịch vụ khắc phục rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ việc duy trì và phát triển thị trường...
Tuy nhiên, Quỹ này do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên việc xác định Quỹ này là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chưa thực sự phù hợp.
Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ.
Đồng thời, lưu ý việc bổ sung các thành phần để tăng tính đại diện, đảm bảo khách quan trong Hội đồng quản lý Quỹ; mức chi phí quản lý Quỹ; mức chi các hoạt động hỗ trợ từ Quỹ và có cơ chế linh hoạt trong việc tiếp nhận đề nghị cũng như thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cho người lao động, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại