Bị xử lý vì vi phạm bản quyền
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMV mới “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh là một trong những MV đạt lượt người nghe kỷ lục trong thời gian qua với gần 30 triệu lượt view trong vòng 1 tháng ra mắt. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, MV này đột ngột biến mất khỏi YouTube khiến công chúng bất ngờ.
Lý do được phía Noo Phước Thịnh giải thích: “Phía Noo đã sơ suất, chưa xin phép chủ sở hữu mà tự ý lấy phần nhạc nền này thêm vào nên dẫn đến vi phạm bản quyền - vấn đề vốn được YouTube xử lý rất nghiêm ngặt, dù chỉ là một đoạn nhạc ngắn. Chúng tôi sai và phải chấp nhận làm theo luật”.
Cụ thể, phân cảnh Noo Phước Thịnh cùng bạn diễn bị tai nạn xe hơi ở gần cuối MV có sử dụng đoạn nhạc nền từ channel YouTube có tên HD Musicization.
MV của Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi YouTube. ẢNH: Ê-kíp Noo Phước Thịnh |
Noo Phước Thịnh thừa nhận chỉ một sơ suất nhỏ, một đoạn nhạc rất ngắn chưa đến 15 giây nhưng nam ca sĩ đã mất gần 30 triệu lượt. Sau khi bỏ hẳn MV cũ, ngày 18-11, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” sau khi được chỉnh sửa (bỏ đoạn nhạc vi phạm bản quyền ra khỏi MV) đã xuất hiện trở lại trên YouTube. Hiện tại, các fan của Noo Phước Thịnh đang ra sức kêu gọi mọi người ủng hộ để MV nhanh chóng đạt lượng view lớn.
Ngay sau đó, MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh cũng phải nhanh chóng bổ sung lời dẫn nguồn và cảm ơn nhà soạn nhạc Ivan Torrent ở bên dưới. Lý do khiến ê-kíp của Bảo Anh phải gấp gáp bổ sung yếu tố trên được cho là vì lý do bản quyền.
MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh có một số đoạn nhạc nền được lấy từ hai bản hòa âm “Icarus” và “Glimmer Of Hope” của Ivan Torrent. Nhiều ý kiến cho rằng do chứng kiến Noo Phước Thịnh mắc sai lầm như trên nên Bảo Anh cũng phải nhanh chóng sửa sai.
Được biết, điều luật bản quyền là điều luật cơ bản mà bất cứ ai tham gia mạng lưới đăng tải video trên YouTube cũng phải tuân thủ nghiêm khắc. Mặc dù vậy, vẫn có trường hợp người khác có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không bị xử lý vi phạm.
Cụ thể như tác phẩm có: Mục đích sử dụng có tính chất thương mại hay phi lợi nhuận; Tính chất của tác phẩm có bản quyền (nếu là hữu hình thì sẽ dễ xem xét, còn mơ hồ như một ý tưởng thì rất khó phân chia); Mức độ, tỷ lệ “mượn” sử dụng so với toàn bộ tác phẩm gốc có bản quyền; Tác động đến giá trị của tác phẩm có bản quyền gốc (chẳng hạn như đạo nhái có chủ ý làm giảm uy tín của tác phẩm gốc).
Tuy nhiên, ngay cả khi các tác phẩm của Bảo Anh đã ghi nhận và trích nguồn chủ sở hữu bản quyền không có nghĩa là cô chắc chắn sẽ không bị khiếu nại và bị yêu cầu gỡ 2 đoạn nhạc ngắn của Ivan Torrent. Nếu Ivan Torrent chưa đồng ý cho ê-kíp của Bảo Anh sử dụng đoạn nhạc của mình thì việc MV của nữ ca sĩ thêm đoạn dẫn nguồn lẫn lời cảm ơn cũng bằng thừa.
Thực tế, có 2 cách để các nghệ sĩ tiếp tục đăng tải MV ca nhạc của mình nếu đã trót sử dụng sản phẩm của nghệ sĩ nước ngoài. Nếu như muốn MV nhanh chóng trở lại trên YouTube, người nghệ sĩ đó cần phải hoàn thành nghĩa vụ tác quyền. Tuy nhiên, vấn đề tiền tác quyền cũng sẽ gây ít nhiều khó khăn cho nghệ sĩ Việt bởi cho dù đoạn nhạc 15 giây ít ỏi cũng có thể bị đòi hỏi mức phí tác quyền lớn, thậm chí còn bằng gần một nửa chi phí sản xuất MV.
Nếu không thể chi trả khoản phí tác quyền cao thì nghệ sĩ đó sẽ phải thực hiện hoặc sửa thành một MV mới thay thế (bỏ đoạn nhạc mượn kia). Việc đó đồng nghĩa là sản phẩm sẽ phải làm lại từ đầu và mất hết lượng view đã đạt được trước đó.
Thói quen “xài chùa” sản phẩm hoặc một phần sản phẩm nghệ thuật của người khác không phải là sự việc hiếm trong làng giải trí Việt. Minh chứng là một số chương trình truyền hình thực tế như “Giọng hát Việt” hay “Nhân tố bí ẩn” từng cho thí sinh hát ca khúc của một số ca sĩ, nhạc sĩ mà chưa xin phép.
Điều này vi phạm tác quyền, khiến khá nhiều nghệ sĩ bức xúc và lên tiếng. Tuy nhiên, với tâm lý nể nang nên nhiều khi người vi phạm chỉ cần một lời xin lỗi là sự việc trở nên êm đẹp. Có điều, chính vì thái độ nể nang này mà thực trạng “xài chùa” ca khúc ngày càng nhiều. Và sẽ rất rắc rối nếu như nghệ sĩ sở hữu bản quyền ca khúc khiếu nại người nghệ sĩ “xài chùa” sản phẩm của họ.
Thị trường nhạc Việt ngày càng phát triển với sự tiếp thu trào lưu, xu hướng âm nhạc của thế giới. Vì vậy, không tránh khỏi việc một số sản phẩm của nghệ sĩ Việt chịu ảnh hưởng từ sản phẩm của nghệ sĩ nước ngoài hoặc thấy nhạc ngoại hay, thấy thích thì cho vào sản phẩm của mình. Điều này khiến họ dễ dàng bị nghi là đạo nhạc hoặc vi phạm bản quyền tác phẩm.
Cũng vì Việt Nam là thị trường non trẻ nên hiện nay, nhiều Cty giám sát tác quyền nước ngoài có mặt ở Việt Nam để kiểm soát vấn đề thực thi tác quyền. Điều này là cần thiết, không chỉ đảm bảo việc các nghệ sĩ làm việc chuyên nghiệp, theo đúng pháp luật mà còn góp phần giúp thị trường âm nhạc phát triển, giảm đi sự vay mượn, bắt chước.
Từ trường hợp của Noo Phước Thịnh và Bảo Anh, các nghệ sĩ làm việc trong showbiz nên đặc biệt chú ý kỹ lưỡng đến vấn đề bản quyền. Đó không chỉ thể hiện sự hiểu biết, chuyên nghiệp trong công việc, tạo nên uy tín, thương hiệu cho bản thân mà còn là thái độ tôn trọng nghề nghiệp, đồng nghiệp, khán giả và đỡ mất chi phí khắc phục hậu quả chỉ do sự sơ xuất không đáng có.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại