An ninh mạng: Không dễ loại bỏ được thông tin sai sự thật, vu khống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến góp ý kiến trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp băn khoăn Luật an ninh mạng có nguy cơ chồng chéo với Luật an toàn thông tin mạng về phạm vi điều chỉnh, đầu mới quản lý nhà nước... Ví dụ quy định để kinh doanh lĩnh vực an toàn thông tin, doanh nghiệp phải được thẩm định, cấp phép của Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng Luật an ninh mạng lại quy định phải có sự thẩm định của Bộ Công an?
Ông Nguyễn Chí Thành, Chánh văn phòng Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật an ninh mạng khá rộng, gần như bao quát hết các vấn đề liên quan đến bảo vệ an ninh mạng và các hoạt động trên không gian mạng, nên dễ trùng lặp về nội dung và chồng chéo thẩm quyền quản lý với Luật an toàn thông tin mạng, Luật cơ yếu, Luật công nghệ thông tin.
Dự thảo quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm “xóa thông tin có nội dung chống Nhà nước, thông tin sai sự thật, vu khống trên không gian mạng”. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ cung cấp truy nhập internet, còn nội dung thông tin được lưu trữ trên máy chủ của khách hàng (chủ quản hệ thống thông tin), thậm chí là trên máy chủ đặt ở nước ngoài nên doanh nghiệp không thể thực hiện được điều này”, ông Thành nói.
TS Mai Anh, đại biểu Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội tin học viễn thông Hà Nội cho rằng, an ninh mạng và an toàn thông tin mạng là hai mặt không tách rời. “Nội dung Luật an ninh mạng nên tích hợp vào Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, trình Quốc hội sửa đổi Luật an toàn thông tin mạng và đổi tên thành Luật an ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng”, TS Mai Anh nói.
Theo ông Mai Anh, mất an ninh mạng không chỉ do hành vi vô tình hay cố ý gây ra mà còn bắt nguồn từ chính quá trình thiết kế, xây dựng để hình thành ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia như hệ thống thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị phân luồng, thiết bị đầu cuối… Vì vậy, việc mua sắm, nhập khẩu những trang thiết bị quan trọng cần phải được luật hóa, tránh các nhà cung cấp đã được thế giới nhận diện về việc cài đặt sẵn những thiết bị nằm vùng, gây phương hại mà mọi biện pháp phòng chống của người dùng đều vô nghĩa.
Bà Phan Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng, Dự luật yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo tính trung thực của thông tin đăng ký của người dùng là bất khả thi vì hiện nay, hệ thống quốc gia về căn cước công dân còn chưa sẵn sàng để doanh nghiệp kết nối, xác thực.
Bà Phan Thị Hoài Thu góp ý vào Dự luật an ninh mạng |
Cũng theo bà Thu, các khái niệm về làm nhục, vu khống tại khoản 3 Điều 22 Dự luật rất mơ hồ, doanh nghiệp không thể phân biệt được. Vì vậy, bà Thu đề nghị quy định theo hướng loại bỏ thông tin làm nhục, vu khống theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cho rằng Việt Nam hiện đứng thấp nhất trong khối Asean về chỉ số an toàn thông tin mạng, ông Lương Thanh Hải, Học viện cảnh sát nhân dân đề nghị bổ sung quy định Bộ Công an chủ trì xây dựng chiến lược an ninh mạng không dây và thiết bị di động.
Ông Phạm Đức Đăng Khoa, Tập đoàn Microsoft cũng nhìn nhận, Việt Nam rất dễ bị tổn thương về tấn công mạng. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Dự luật hơi rộng và khá nhiều điều xung đột với các luật khác liên quan. Ông Khoa cũng cho rằng một số quy định liên quan đến bảo vệ DN trong nước cần xem xét lại để đảm bảo cam kết WTO và TPP.
Còn ông Adam SitKoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội góp ý, chỉ nên khởi tố hình sự với những đối tượng có mục đích gây bất ổn trong môi trường mạng, chứ không phải những nạn nhân của hành vi có ý đồ xấu.
Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 Điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Luật này đang được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh kinh tế, chính trị và mọi mặt tác động đến đời sống xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển CNTT, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 và có những diễn biến phức tạp trên không gian mạng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại