Thứ sáu 26/04/2024 01:58

ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày hôm nay cho biết, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của Covid-19, đại dịch đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

“Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định. “Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”.

ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nộj địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Tăng trưởng GDP đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, được hỗ trợ phần lớn bởi mở rộng thương mại. Nhưng đợt bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trong tháng 4 đã thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp. Tăng trưởng được dự báo ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2022, cả hai dự báo này đều thấp hơn dự báo trong báo cáo ADO (Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á) năm 2021. Lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022, với tỉ lệ thấp hơn các tỉ lệ dự báo trước đó. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ xấu đi, dẫn đến tình trạng thâm hụt trong năm nay so với dự báo là sẽ thặng dư trong báo cáo ADO 2021 và sẽ trở lại thặng dư vào năm 2022, mặc dù thặng dư thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Đánh giá tình hình

Nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, với tốc độ tăng trưởng GDP tăng tốc từ mức 1,8% trong nửa đầu năm ngoái lên 5,6%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 6,8% trước đại dịch trong nửa đầu năm 2019. Nhu cầu xuất khẩu mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng nông, lâm và thủy sản từ 1,2% trong nửa đầu năm 2020 và 2,3% trong cùng kỳ năm 2019 lên 3,8%. Sản lượng này đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng nửa đầu năm. Tăng trưởng công nghiệp nửa đầu năm tăng hơn gấp đôi lên mức 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn mức 8,9% trong cùng kỳ năm 2019, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Dịch vụ tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 6,7% trong nửa đầu năm 2019 do lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm xuống còn 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam
Giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở miền Nam Việt Nam và ở Hà Nội cùng các khu vực công nghiệp lân cận, vốn là những nơi đóng góp gần 50% GDP của cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Sự lây lan của Covid-19 và một đợt giãn cách xã hội kéo dài kể từ tháng 6 đã làm giảm sự phục hồi. Giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở miền Nam Việt Nam và ở Hà Nội cùng các khu vực công nghiệp lân cận, vốn là những nơi đóng góp gần 50% GDP của cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Làn sóng đại dịch thứ tư của Việt Nam tấn công mạnh đến các doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã gián đoạn sự dịch chuyển lao động và cản trở sản xuất. Hậu quả là 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân xuống 3,6% trong nửa đầu năm 2021, chỉ tăng 0,2% so với nửa đầu năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tiêu dùng khu vực công cũng giảm một nửa, còn 3,2%, do Chính phủ cũng cắt giảm chi thường xuyên.

Trong tháng 8-2021, doanh thu bán buôn và bán lẻ giảm 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Các nhà máy đóng cửa và sự gián đoạn dịch chuyển lao động đã hạn chế đầu tư trong và ngoài nước. Trong nửa đầu năm nay, tổng đầu tư tăng 5,7% so với cùng kỳ từ mức 1,9% trong nửa đầu năm 2020, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm 2019. Tăng trưởng đầu tư bị đình trệ trong tháng 8. Đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm 7,1% so với tháng trước đó và giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu chậm lại, với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 6,8% trong tháng 6 xuống còn 2,0% trong tháng 8.

Lạm phát trong tháng 8 cao hơn 0,25% so với tháng 7 do giá nhiên liệu tăng và nguồn cung lương thực bị gián đoạn đã tạm thời làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Tỷ lệ lạm phát ở mức 1,5% trong nửa đầu năm và 1,8% trong 8 tháng đầu năm, với thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chi đầu tư công giảm và khả năng đi lại bị hạn chế làm giảm sức cầu. Tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và đô la Mỹ tương đối ổn định trong 8 tháng đầu năm, cho dù đồng nội tệ có xu hướng tăng nhẹ.

Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10-2020. Các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tổng phương tiện thanh toán (M2) trong nửa đầu năm 2021 tăng thêm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức tăng 12,8% của cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điều này đã thúc đẩy tín dụng, ước tính tăng trong tháng 8 là 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 7,9% của năm trước đó.

Doanh thu thuế thương mại và thuế sử dụng đất tăng đã làm tăng thu của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm, ước tính cao hơn khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giải ngân vốn đầu tư công chậm và việc cắt giảm chi thường xuyên. Ngân sách đạt mức thặng dư ước tính tương đương 1,3% GDP năm 2020 trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực ngân sách đã tăng lên vào tháng 8, do tác động của việc gia tăng tình trạng doanh nghiệp rút khỏi kinh doanh, tỉ lệ thất nghiệp và giãn thuế, đã kéo thu ngân sách giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chi tiêu cho việc kiềm chế Covid-19 tăng 90%.

Xuất khẩu hàng hóa tăng 29,0% trong nửa đầu năm 2021 và nhập khẩu tăng 36,2%, thu hẹp thặng dư thương mại hàng hóa từ 9,3% trong nửa đầu năm 2020 xuống tương đương 3,2% GDP. Cùng với nguồn thu ròng từ dịch vụ giảm, các diễn biến này khiến cán cân vãng lai thâm hụt 2,3% GDP từ mức thặng dư 2,5% trong nửa đầu năm 2020. Thâm hụt gia tăng trong 8 tháng đầu năm do xuất khẩu giảm so với nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp bắt đầu từ tháng 5.

Với lãi suất vẫn ở mức thấp, dòng vốn ròng được duy trì trong nửa đầu năm 2021, góp phần đưa cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ước tính khoảng 2,9% GDP. Dự trữ ngoại hối cuối tháng 6 ước tính đạt 3,9 tháng nhập khẩu, giảm so với mức 4,2 tháng vào cuối năm 2020.

Triển vọng

Đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ kéo triển vọng tăng trưởng của năm 2021 đi xuống. Tình trạng thiếu hụt lao động do giãn cách xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão trong quý ba và bốn cũng như các biện pháp kiểm dịch được áp dụng đối với xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam. Về phương diện lạc quan, tiếp cận thị trường được cải thiện do các hiệp định thương mại tự do và sự phục hồi của Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tăng trưởng nông nghiệp dự kiến ở mức 2,7% vào năm 2021, bằng với mức năm 2020.

ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam
Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch

Việc kéo dài giãn cách xã hội ở các thành phố lớn sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung lao động, gây tổn hại đặc biệt đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và làm giảm sản lượng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng xuống dưới mức 50 từ tháng 6 đến tháng 8, báo hiệu sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và y tế. Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu du lịch và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ từ mức 7,3% của năm 2019 xuống mức dự báo là 3,3% trong năm nay.

Tính đến ngày 15-9, 33% dân số đã được tiêm phòng liều đầu tiên của vắc-xin Covid-19, nhưng chỉ dưới 6% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Mặc dù việc triển khai nhanh chóng liều vắc-xin đầu tiên sẽ giúp giảm lây nhiễm và tử vong, nhưng tỷ lệ được tiêm đủ 2 liều còn thấp có thể hạn chế người lao động quay lại sản xuất trong năm 2021, vì chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đi làm an toàn. Các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là trong việc cấp giấy đi đường, đã làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.

Đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm tiêu dùng và đầu tư sụt giảm trong năm 2021. Tình trạng thiếu lao động, thủ tục giải phóng mặt bằng chậm, chi phí vật liệu xây dựng tăng và mùa mưa bão trong quý III và quý IV sẽ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các thủ tục rườm rà và không rõ ràng đã hạn chế việc giải ngân các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 31-8-2021, có khoảng 32% của chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 1 tỉ đô la đã được giải ngân. Mặc dù chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tăng trưởng, nhưng lại khó có thể kích cầu trong nước do chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế khi ngân sách ngày càng trở nên khó khăn và dự kiến mức bội chi là 5% GDP năm 2021, cao hơn một chút so với chỉ tiêu.

Nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10% –11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%. Vào tháng 9, Ngân hàng Nhà nước - ngân hàng trung ương của Việt Nam - đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng thông qua tái cơ cấu nợ và duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có, và cho vay ưu đãi đến ngày 30 tháng 6 năm 2022. Cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.

Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam, đặc biệt là Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng dệt, may và giày dép, điện tử và điện thoại di động. Nhưng việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hạn chế năng lực sản xuất, dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác. 18% công ty châu Âu kinh doanh tại Việt Nam đã làm vậy trong tháng 7 và tháng 8. Dù dòng vốn và giải ngân FDI tăng nhẹ trong tháng 7 và tháng 8, sẽ khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm do các nhà máy đóng cửa và thiếu lao động.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn thách thức. Nguy cơ chính đối với triển vọng phát triển là một đợt bùng phát Covid-19 kéo dài nếu tỷ lệ tiêm phòng tăng không đáng kể. Do vắc-xin chưa đến Việt Nam đủ nhanh nên nỗ lực của Chính phủ để bắt đầu sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước trong năm 2021, kết hợp với tăng cường mua vắc-xin từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch gây ra.

Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch. Nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022. Cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của chính phủ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm sau.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Đại hội đồng cổ đông Vinamilk: cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

Đại hội đồng cổ đông Vinamilk: cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.
Khoảng 100 doanh nghiệp tham gia Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng"

Khoảng 100 doanh nghiệp tham gia Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng"

Tối 24/4, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức lễ khai mạc Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng".
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đổi xe xăng lấy xe điện, người dùng Việt hưởng lợi kép

Đổi xe xăng lấy xe điện, người dùng Việt hưởng lợi kép

Bán xe xăng thuộc bất kỳ thương hiệu nào với giá minh bạch, thủ tục nhanh gọn để mua được ô tô điện VinFast với giá ưu đãi nhất là lợi ích kép mà khách hàng Việt có thể tiếp cận được từ ngày 22/4.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu giá vàng SJC?

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu giá vàng SJC?

Sau phiên đấu giá thành công 3.400 lượng vàng diễn ra sáng 23/4 với 2 đơn vị trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng TMCP Á Châu, sáng nay (25/4), phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC đã bị hủy. Tính cả ngày 22/4 thì đây là lần thứ hai cơ quan điều hành hủy đấu thầu vàng miếng.
Giá xăng dầu giảm mạnh trong chiều nay 25/4

Giá xăng dầu giảm mạnh trong chiều nay 25/4

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Nhiều thành phố, thị xã không được phân lô bán nền từ 2025

Nhiều thành phố, thị xã không được phân lô bán nền từ 2025

Kể từ ngày 1/1/2025, 105 thành phố, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước sẽ không được phân lô, bán nền theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
MIK Group sắp “tung ra” hàng nghìn căn hộ tại thị trường phía Tây Hà Nội

MIK Group sắp “tung ra” hàng nghìn căn hộ tại thị trường phía Tây Hà Nội

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
Khu vực sôi động nhất thủ đô “đón sóng”

Khu vực sôi động nhất thủ đô “đón sóng”

Bước sang năm 2024, chung cư tiếp tục là phân khúc “vàng” khi có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, ghi nhận lượng quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu ở thực, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội.
Thị trường chứng khoán 25/4: thị trường hụt hơi, cổ phiếu nhóm bán lẻ duy trì tích cực

Thị trường chứng khoán 25/4: thị trường hụt hơi, cổ phiếu nhóm bán lẻ duy trì tích cực

Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 0,64 điểm, giao dịch quanh mức 1.204 điểm. HNX-Index giảm 0,33 điểm, giao dịch quanh mức 227 điểm.
Thị trường chứng khoán 24/4: cổ phiếu công nghệ thông tin “bùng nổ”, VN30 một màu xanh

Thị trường chứng khoán 24/4: cổ phiếu công nghệ thông tin “bùng nổ”, VN30 một màu xanh

Thị trường kết phiên với đà tăng liên tục được nới rộng, VN-Index tăng 28,21 điểm, lên mức 1.205,61 điểm; HNX-Index tăng 5,24 điểm, lên mức 227,87 điểm. Nhóm VN30 đều tăng điểm. Đóng góp tích cực nhất đến từ cổ phiếu công nghệ thông tin.
Thị trường chứng khoán 23/4: phe bán thắng thế

Thị trường chứng khoán 23/4: phe bán thắng thế

Tạm dừng phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 5,95 điểm, giao dịch quanh mức 1.184 điểm. HNX-Index giảm 1,5 điểm, giao dịch quanh mức 223 điểm.
Galaxy Z Flip6 hé lộ màu sắc và dung lượng bộ nhớ

Galaxy Z Flip6 hé lộ màu sắc và dung lượng bộ nhớ

Tin đồn về Galaxy Z Flip6 tiếp tục xuất hiện cho chúng ta cái nhìn chi tiết hơn về các phiên bản màu sắc, dung lượng lưu trữ và một số tính năng được cải tiến so với thế hệ tiền nhiệm.
TikTok chính thức bị siết chặt kiểm soát tại Mỹ

TikTok chính thức bị siết chặt kiểm soát tại Mỹ

Mỹ đã chính thức thông qua luật yêu cầu TikTok phải thoái vốn chủ sở hữu tại nước này nếu không muốn bị cấm hoạt động hoàn toàn tại đây.
Apple chốt thời điểm diễn ra sự kiện "Let Loose"

Apple chốt thời điểm diễn ra sự kiện "Let Loose"

Sự kiện "Let Loose" sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới đây hứa hẹn sẽ là một ngày bùng nổ với những sản phẩm mới được mong đợi từ Apple.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động