Nan giải bài toán thiếu bãi đỗ xe?

Các dự án bãi đỗ xe được triển khai ì ạch, thậm chí là “dậm chân tại chỗ” chính là “cơ hội” mở ra cho các bãi xe tạm, bãi xe không phép hoạt động.
Hàng dài ôtô nối đuôi nhau đỗ dưới lòng trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Hàng dài ô tô nối đuôi nhau đỗ dưới lòng trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Xử lý dứt điểm các bãi xe tự phát

Theo các chuyên gia giao thông, việc dẹp bỏ các bãi đỗ xe “lậu” nói riêng và các bãi đỗ xe tạm thời nói chung chính là một trong những lời giải bền vững, làm bùng nổ nền dịch vụ trông giữ xe hợp pháp cho thành phố. Chính quyền đô thị cần kiên định với mục tiêu giành lại bằng được không gian công cộng khỏi bị lấn chiếm bởi các hoạt động trông xe trái phép.

Sinh sống tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, ngay sát bãi đỗ xe cao tầng thông minh Nguyễn Công Hoan, nhưng anh N.T.T lại chọn gửi ô tô cá nhân tại một bãi xe tự phát.

Theo anh T., dù biết gửi trong bãi xe hợp pháp sẽ yên tâm hơn về an ninh, phòng chống cháy nổ, nhưng anh phải cân nhắc kỹ vì chịu chi phí gấp đôi, lại mất thêm thời gian khi đánh xe ra vào giàn thép: “Nếu người ta hướng dẫn đi vào khu vực đỗ xe mới lấy tiền thì có. Mình thấy ở đâu cũng thế thôi, nhất là khu vực Hà Nội này phát sinh nhiều điểm đỗ xe tự phát thì không tránh khỏi. Nhưng mà nếu để khuyên người khác thì để an toàn, tôi vẫn khuyên mọi người nên vào khu vực có giấy phép, có phòng chống cháy nổ”.

Đại diện Cty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tiền gửi một xe ô-tô tại bãi đỗ xe thông minh khoảng từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, trong khi nếu gửi tại một số bãi trông giữ tự phát chung quanh đấy, người dân chỉ mất từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động của các bãi xe chính thống thì cầm chừng, còn những nơi tự phát thì luôn kín chỗ và do không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, lợi nhuận thu được chảy hết vào túi các cá nhân là chủ các bãi trông giữ xe tự phát.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang nhận định, tình thế tiến thoái lưỡng nan của các bãi đỗ xe đã thành hình theo quy hoạch bắt nguồn từ chính sự buông lỏng quản lý không gian công cộng, không xử lý triệt để các bãi đỗ xe tự phát mọc lên như nấm trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Điều kiện tiên quyết để tạo sự lành mạnh, công bằng cho môi trường đầu tư bãi đỗ xe ở Hà Nội là chính quyền đô thị cần kiên quyết xử lý hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường, nói không với sự thỏa hiệp một cách tạm bợ cùng những bãi đỗ xe “lậu”.

Theo ông Quang, không chỉ ảnh hưởng chính sách giao thông tĩnh, sự trỗi dậy của các bãi xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đang đi ngược lại chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải công cộng của chính thành phố này.

Đâu là giải pháp ngắn hạn?

Hoan nghênh những ưu đãi mà Hà Nội đang áp dụng để khuyến khích đầu tư bãi đỗ xe, ông Nguyễn Đức Vinh - Phó Giám đốc Cty Khai thác điểm đỗ Hà Nội cũng có cùng nhận định, và ủng hộ hướng đi mà thành phố đang tiếp cận là dẹp bỏ các bãi đỗ xe trái phép lấn chiếm lòng, lề đường, khu vực công cộng, qua đó tạo sức hút cho các bãi đỗ xe hợp pháp đã được xây dựng hiện đại.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh: “Đối với văn bản mới nhất của UBND TP Hà Nội thì đó cũng là khuyến khích cho các nhà đầu tư. Về góc độ quản lý thì hiện nay còn nhiều đơn vị cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tôi có thể đầu tư bãi đỗ xe cao tầng ở khu đất nào đấy, nhưng bên cạnh đấy lại có khu đất chờ dự án, khuân viên của cơ quan đoàn thể nào khác.

Chủ trương không cho phép họ trông xe, thế nhưng buổi tối, đêm hay thiếu sự kiểm tra của lực lượng chức năng thì họ cứ tổ chức để trông giữ xe, cái đó là cạnh tranh không lành mạnh và là rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư thực hiện các bãi đỗ xe cao tầng”.

Đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo phường tại quận Cầu Giấy chia sẻ rằng cũng biết có những bãi xe trên địa bàn là không được phép hoạt động, nhưng với lượng xe ô-tô lớn như hiện nay, nếu quyết tâm dẹp bỏ những bãi đỗ xe không phép, thì quá nửa số người dân trong khu vực không có chỗ để xe. Khi đó, người dân buộc phải để xe tại bất cứ chỗ nào trên hè phố, dưới lòng đường, tạo áp lực lớn về công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý đô thị.

Phân tích thế bế tắc của hệ thống giao thông tĩnh tại Hà Nội, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, dù rất lùng bùng, rắc rối, đặc biệt vướng vấn đề pháp lý, nhưng nếu quyết tâm và kiên trì vẽ ra sơ đồ một cách logic, từng vấn đề sẽ được bóc tách và giải quyết được. Chính quyền thành phố cần nhìn nhận thẳng thắn và không né tránh. Cần thiết, có thể làm thí điểm những dự án ưu tiên, các ban ngành đồng loạt vào cuộc, đồng hành với doanh nghiệp để sớm giải quyết được nhu cầu bức thiết của xã hội.

Có thể nói, tình trạng thiếu vắng các bãi đỗ xe được đầu tư bài bản theo quy hoạch có nguyên nhân từ việc lợi ích của nhà đầu tư chưa được đảm bảo, họ phải hoạt động trong một môi trường muôn trùng khó khăn.

Hà Nội đã, đang và sẽ có những động thái nào để cải thiện tình hình? Đồ án quy hoạch mới có điểm gì tiến bộ, đột phá? Liệu Hà Nội có triển khai kịp các mục tiêu về giao thông tĩnh, qua đó giảm phụ thuộc vào các bãi trông giữ xe tạm thời?

Trước những khó khăn này, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện ngành giao thông đang kiến nghị TP một số giải pháp ưu tiên để giải quyết tồn tại, phát triển giao thông tĩnh đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra, vào thành phố hàng ngày. Tốc độ tăng số lượng ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy là khoảng 6,7%/năm, song hệ thống giao thông tĩnh (bãi, điểm đỗ xe công cộng) mới đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu.
Chuyện gửi xe ở các bệnh viện - Kỳ 1: Đến xe máy cũng không có chỗ để
Kỳ 2: Không có chỗ gửi xe – “cò mồi” trông giữ xe phát triển
Chuyện gửi xe ở các bệnh viện - Kỳ cuối: Nan giải bài toán “đủ chỗ đỗ xe”
Giải pháp tăng diện tích đỗ xe ở Hà Nội?

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.