Mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện lừa đảo:

Chiêu “thao túng tâm lý” khiến nhiều phụ huynh dễ dàng mắc bẫy

Đối với hành vi đưa ra thông tin gian dối nhằn "thao túng tâm lý" để các nạn nhân tin tưởng và giao tài sản ở trường hợp này cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174, BLHS năm 2015.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vụ nhiều phụ huynh bị người lạ lừa đảo sau cuộc gọi thông báo "con bị gặp nạn", Ban giám đốc CA TP HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ CA TP HCM phối hợp với CA các quận huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra làm rõ.

Ban giám đốc CA TP HCM yêu cầu các đơn vị phải tiếp nhận tin báo của phụ huynh bị lừa, lấy lời khai cụ thể; đồng thời, phối hợp với nhà trường, cơ quan chức năng tuyên truyền tới người dân để kịp thời phòng chống và ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng này.

Bên cạnh đó, CA TP HCM cảnh báo người dân khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, thì cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ để phòng ngừa việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay việc lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm thực hiện các thủ đoạn, hành vi phạm tội đang xảy ra vô cùng phổ biến, đặc biệt là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc các bậc phụ huynh nhận được điện thoại từ người lạ báo tin con đang cấp cứu tại bệnh viện và cần chuyển khoản tiền để mổ gấp là thủ đoạn mới mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản thực hiện để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin. Đây là một hình thức “thao túng tâm lý” khiến các bị hại nhanh chóng mắc bẫy và thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

“Vì sốt ruột lo lắng cho con, sợ sự chậm chễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu của đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp", luật sư Thái phân tích.

Theo vị chuyên gia này, mấu chốt để thực hiện được trò lừa này, là đối tượng phải có được số máy của nạn nhân và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. Có thể đánh giá danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.

Vì vậy theo luật sư Thái, các nạn nhân cần trình báo CQCA để điều tra sự việc và tuyên truyền thủ đoạn mới mà tội phạm đang lợi dụng để lừa đảo người dân, giúp người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng tránh ngày càng nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức thủ đoạn này.

Đối với hành vi đưa ra thông tin gian dối để các nạn nhân tin tưởng và giao tài sản ở trường hợp này cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174, BLHS năm 2015.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thái cũng cho hay, dấu hiệu bắt buộc của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt; giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Hậu quả của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Về mối quan hệ nhân quả thì hậu quả thiệt hại về tài sản phải được xuất phát từ hành vi lừa dối.

Nếu việc thiệt hại về tài sản từ nguyên nhân khác thì sẽ dựa vào những dấu hiệu khách quan để xác định xem có dấu hiệu của tội phạm không và được pháp luật điều chỉnh như thế nào.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, với các bậc phụ huynh, cần hết sức bình tĩnh khi có ai đó báo tin về việc con mình bị tai nạn, phải xác minh lại thông tin từ phía nhà trường, phía cơ sở y tế và chỉ tin vào những thông tin từ giáo viên, lãnh đạo nhà trường hoặc từ cơ quan chức năng mà mình biết rõ. Nếu thông tin có được từ số điện thoại của người lạ mà họ tự xưng danh sẽ chưa có căn cứ để xác định sự thật.

Việc nộp tiền cứu chữa phải nộp trực tiếp vào cơ sở y tế, nếu chuyển tiền để nhờ người khác nộp tạm ứng viện phí, chỉ chuyển cho người thân quen mà đã xác nhận là đúng. Đặc biệt, thận trọng với số điện thoại mạo danh người thân, người quen hoặc mạo danh cơ quan chức năng để yêu cầu chuyển tiền.

“Cần xây dựng riêng một bộ luật về phòng chống tin giả. Khi đó, việc này sẽ đặt nền móng cho việc triển khai công tác nghiên cứu, dự báo, phát triển các giải pháp phòng, chống tin giả trong tương lai, giúp xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình tin giả giữa các bộ, ngành, địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống tin giả”, luật sư Thái kiến nghị.

Phụ huynh đề nghị iSCHOOL Nha Trang mời chuyên gia hỗ trợ học sinh nhập viện
Cảnh báo: Bất ngờ nhận tin con "đang mổ cấp cứu", nhiều phụ huynh mất hàng trăm triệu
Thêm 2 phụ huynh bị lừa 250 triệu đồng bằng chiêu “con bị chấn thương sọ não”
Vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành: Thủ đoạn lừa đảo diễn ra như thế nào?
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Khi “tín dụng đen” cũng bị rơi vào tròng lừa đảo

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.